
Tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách
Sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, Nghị quyết sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách.
Chính sách 1, ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo chương trình GDMN. Dự thảo bổ sung đối tượng được hỗ trợ là trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi đang học tại các cơ sở GDMN thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định; có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập.
Đồng thời, nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi.

Chính sách 2 dành cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên với một số chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non.
Cụ thể là, trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở GDMN công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở GDMN (không bao gồm các cơ sở GDMN có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài); ưu tiêu, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non, bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
“Sau khi cân đối số biên chế hiện nay còn thiếu và số biên chế cần bổ sung do tăng quy mô để thực hiện phổ cập với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2026-2030 cho các tỉnh, thành phố thì cần đề nghị Bộ Chính trị bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu biên chế” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (trong đó có: 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%. Tuy nhiên, có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Chính sách 3 là đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN, nhằm tập trung tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai, vay vốn tín dụng, ưu tiên cho thuê tài sản công; đẩy mạnh xã hội hoá, tạo điều kiện cho cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư xây dựng phát triển GDMN dân lập, tư thục, nhất là các cơ sở GDMN độc lập loại hình dân lập, tư thục tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư.
Theo đó, Nhà nước ưu tiên có chương trình đầu tư để xây dựng đủ trường/lớp học đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Nguồn kinh phí thực hiện từ các nguồn ngân sách nhà nước; xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Cần chính sách vượt trội, huy động nguồn lực xã hội hóa
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, để triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi, Nhà nước phải bảo đảm nguồn tài chính và nguồn nhân lực rất lớn.

Trong đó, về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3-5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng. Thường trực Ủy ban cho rằng, cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026-2030, lộ trình này cần được quy định trong Nghị quyết để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm.
Về đội ngũ giáo viên mầm non, theo đánh giá tác động dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu. Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung đánh giá số lượng giáo viên mầm non, khả năng bố trí biên chế; xác định cụ thể số lượng giáo viên mầm non thiếu cần bổ sung hằng năm phù hợp với lộ trình phát triển trường, lớp.
Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, ông Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, hiện nay ngành giáo dục đang triển khai thực hiện một số chính sách mới: miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; các nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030...
Thường trực Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết có thuộc 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo (cần phân định cụ thể ngân sách trung ương và ngân sách địa phương); ngân sách nhà nước tăng thêm hằng năm để bổ sung cơ sở vật chất, xây dựng trường, lớp... để có đủ cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng tình quan điểm của cơ quan thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh cho rằng, tới đây nhiều dự án, “siêu dự án” được triển khai cần nguồn vốn rất lớn, các chủ trương lớn về miễn học phí cũng ảnh hưởng đến nguồn ngân sách, nên việc cân đối tài chính giai đoạn 2026-2031 là vô cùng quan trọng. Hiện các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước cũng không có nội dung này.
Do đó, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ khẩn trương tổng hợp nhu cầu, nguồn lực tài chính, bố trí ngân sách thực hiện để đảm bảo chính sách khả thi trên thực tiễn.
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, Dự thảo Nghị quyết chủ yếu huy động nguồn lực nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cho GDMN mà chưa chú trọng đến yếu tố xã hội hóa. Bà Hải đề nghị cần xem xét có chính sách khuyến khích đặc biệt, vượt trội, huy động trách nhiệm của các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.