Đánh giá kỹ tác động của việc mở rộng phạm vi áp dụng hoạt động giao dịch điện tử

(BKTO) - Đây là lưu ý của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khi cho ý kiến vào Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).



Sáng 19/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.

Với thời gian làm việc 5,5 ngày (từ ngày 19/9 đến hết ngày 24/9), tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ xem xét 17 nội dung, gồm 7 dự án Luật, 5 dự thảo Nghị quyết, 4 chuyên đề giám sát và 1 nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án BOT, để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới.
                
   

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Ngay sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu đối với Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc sửa đổi Luật trong thời điểm này là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Qua đó, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý cho giao dịch điện tử, công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch trong môi trường thực…

Thảo luận tại phiên họp, đa số Ủy viên UBTVQH tán thành với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Tuy nhiên, các ý kiến còn băn khoăn về việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên hop. Ảnh: VPQH

   

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử phải đảm bảo liên quan đến chuyển đổi số, an toàn thông tin, an ninh mạng. Đặc biệt, cần lưu ý về hạ tầng cơ sở kỹ thuật, công nghệ có đáp ứng được khi mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội không? Mặt khác, Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cũng phải đảm bảo an toàn thông tin, quyền công dân, bí mật riêng tư cho người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng cho rằng, ở nhiều nước phát triển không mở rộng hết giao dịch điện tử ở các lĩnh vực, trong đó có vấn đề các giao dịch liên quan đất đai. Nếu mở rộng phạm vi thì mở rộng đến đâu, trong thời gian là bao nhiêu năm và phải đảm bảo tính khả thi khi Luật được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống. Vì vậy, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án Luật cần tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng việc mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 52 NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII để hoàn thiện Dự thảo Luật, góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện, nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng; ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn trên không gian mạng; thực hiện tốt việc quản lý dữ liệu, định danh số, xác thực điện tử quốc gia, thiết lập khung số quốc gia.

Đồng thời, hồ sơ Dự án Luật cần bổ sung đánh giá bối cảnh thực tế, những vấn đề mới, những yêu cầu để phát triển xã hội số, kinh tế số, đảm bảo an ninh, quốc phòng; đánh giá kỹ tác động về mặt kinh tế - xã hội với từng chính sách; tham khảo kinh nghiệm quốc tế thông lệ tốt của quốc tế... để hoàn thiện Luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội sát với thực tiễn của đất nước, không trái với các hiệp định Việt Nam đã ký kết và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…

Cùng với đó, rà soát lại phạm vi, đối tượng điều chỉnh để đảm bảo các giao dịch điện tử thể hiện được đầy đủ ý chí, quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia, bảo mật thông tin cá nhân theo Hiến pháp, tính toán đến các điều kiện áp dụng đối với các lĩnh vực đặc thù, nếu cần thiết có lộ trình thực hiện đảm bảo khả thi;

UBTVQH cũng đề nghị rà soát đảm bảo đồng bộ, thống nhất các luật khác quy định để dẫn chiếu, kết nối các luật có liên quan; sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất giữa Luật Giao dịch điện tử và các luật pháp, như pháp luật về tố tụng, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai; rà soát quy định áp dụng luật, điều khoản thi hành để đảm bảo khả thi, tránh vướng mắc khi áp dụng vào thực tiễn./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đánh giá kỹ tác động của việc mở rộng phạm vi áp dụng hoạt động giao dịch điện tử