Đánh giá kỹ tác động, hiệu quả của việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 28/4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN). Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế SDĐNN trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới.



Toàn cảnh Phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

Tiếp tục miễn thuế để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chính sách thuế SDĐNN được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN ngày 29/3/1994 của UBTVQH về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.

Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, chính sách này là giải pháp có tác động lớn, quan trọng góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong từng thời kỳ; góp phần hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chính sách cũng khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, khuyến khích người nông dân gắn bó hơn với đất, yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

         
Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438 tỷ đồng/năm.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được của việc miễn thuế SDĐNN, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành là cần thiết nhằm: tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN với nội dung là: kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/NQ12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế SDĐNN và Nghị quyết số 28/2016/NQ14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 đến hết ngày 31/12/2025.

Việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời hạn 5 năm (từ 01/01/2021 đến hết 31/12/2025) là phù hợp vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định.

Về tác động của Dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu NSNN do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính quan trọng trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững...

Việc quy định miễn thuế SDĐNN cũng không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép kéo dài thời gian miễn, giảm thuế SDĐNN trong 5 năm tiếp theo và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc Chính phủ đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện chính sách này là chưa thực sự phù hợp, vì đây là Nghị quyết quy định ngoài phạm vi của Luật thuế SDĐNN, đã được thực hiện trong giai đoạn 2011-2020 và nay đề nghị kéo dài đến năm 2025. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế SDĐNN để đảm bảo thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Rà soát chính sách, bảo đảm miễn giảm đúng đối tượng

Thảo luận tại Phiên họp, các ý kiến trong UBTVQH nhất trí cần tiếp tục có Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời gian miễn, giảm thuế SDĐNN cho giai đoạn 2021-2025 cho nông dân và cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để thúc đẩy nông nghiệp, nông dân và nông thôn phát triển.

Tuy nhiên, UBTVQH yêu cầu, Chính phủ cần rà soát lại các chính sách, các đối tượng để thực hiện mục tiêu miễn, giảm thuế SDĐNN để thúc đẩy sản xuất chứ không phải là để cho đất đai hoang hóa, phải khẳng định điều đó, cho nên những đối tượng nào để đất đai hoang hóa không đưa vào sản xuất thì không thuộc đối tượng được miễn giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với tinh thần tiếp tục khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, hỗ trợ cho nông dân trong vấn đề sản xuất, đời sống, thì việc Quốc hội ra nghị quyết để kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN là phù hợp, chưa nên đặt vấn đề sửa đổi Luật Thuế SDĐNN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là một chính sách sẽ tác động trực tiếp tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Theo Chủ tịch Quốc hội, với số thu một năm khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng cũng tác động không lớn đến ngân sách. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần phải có một đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng về phạm vi, đối tượng được tiếp tục miễn thuế, không nên tràn lan, để làm sao chính sách này tác động tích cực đến việc khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả và không để lãng phí đất đai. Việc miễn, giảm phải lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân, để thấy điểm tích cực cũng như điểm hạn chế của việc miễn, giảm thuế...

“Tôi nhất trí sẽ báo cáo Quốc hội để gia hạn cho việc thực hiện chính sách này trong 5 năm nữa. Nhưng trong 5 năm tới thì Chính phủ phải báo cáo đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách này trong 20 năm qua, nó mang lại cái gì để trên cơ sở đó, chuẩn bị sửa đổi Luật Thuế Nông nghiệp”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị, phải có khảo sát, đánh giá cụ thể để đưa chính sách vào nông nghiệp cho bài bản. Phải đánh giá rất kỹ việc này để trình ra Quốc hội vì vấn đề này liên quan đến hiệu quả nông nghiệp, liên quan đến kế sách lâu dài chứ không phải chỉ có miễn là xong.

Trên cơ sở thảo luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, có tổng kết, đánh giá tác động của chính sách một cách toàn diện để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Vì sao chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh mẽ bất chấp kinh tế đang suy thoái?
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO)- Thất nghiệp tại Mỹ đang gia tăng với tốc độ kỷ lục. Số lượng DN phá sản ngày càng tăng. Đầu tư và thương mại toàn cầu đang sụp đổ. Nhưng điều gì làm thị trường chứng khoán nước này vẫn hồi phục tích cực bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế?
  • Bế mạc Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 28/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 44 sau 6 ngày làm việc tập trung, trách nhiệm, hiệu quả.
  • Trình Quốc hội xem xét phê chuẩn 2 Hiệp định với Liên minh Châu Âu
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 28/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA).
  • Cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Cho rằng hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn chưa đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần nhắc kỹ, rà soát lại dự thảo Nghị quyết, xem xét sửa theo hai phương án. Một là, sửa Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng và có Nghị quyết riêng về chính quyền đô thị. Hai là, có một Nghị quyết tổng thể cho TP Đà Nẵng.
  • Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi được COVID-19
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều nay, 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19.
Đánh giá kỹ tác động, hiệu quả của việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp