Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: TTXVN |
Thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước
Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 trong quản lý, sử dụng nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN), tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN, tiết kiệm được 6.087,9 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí NSNN.
Đồng thời, cắt giảm 100% các dự án đầu tư công không nằm trong quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: TTXVN |
Giai đoạn 2016-2021, Bộ Tài chính tinh giản được 1.166 biên chế, đạt 105% kế hoạch; chủ động tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền của Bộ, giảm từ 36 đơn vị xuống còn 26 đơn vị.
Ngay trong quá trình lập dự toán chi NSNN, giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính đã tính toán, giảm chi hơn 22.300 tỷ đồng. Năm 2021, tiếp tục giảm chi NSNN khoảng 3.260 tỷ đồng gắn với tinh giản biên chế và sắp sếp lại tổ chức bộ máy. Trong 6 tháng cuối năm 2020 các địa phương cắt giảm 70% công tác phí hơn 1.000 tỷ đồng, tiết kiệm chi thường xuyên hơn 6.440 tỷ đồng. Năm 2021, tiết kiệm hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó cắt giảm 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và nước ngoài là gần 900 tỷ đồng, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên.
Về công tác quản lý đầu tư công, qua thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước giai đoạn 2016-2020 đã giảm giá trị đề nghị quyết toán hơn 27.000 tỷ đồng; đã chuyển dịch hơn 230.000 ha đất sang các mục đích phi nông nghiệp; xử lý, thu hồi, yêu cầu đưa vào sử dụng 100.000 ha đất của các dự án chậm triển khai.
Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và từng giai đoạn; trình cấp có thẩm quyền ban hành 1.206 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách. Nhiều văn bản đã giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và từng bước cơ cấu lại NSNN.
Sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn đã “lỗi thời”
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát lưu ý, Bộ Tài chính chủ trì tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nhiều lĩnh vực quan trọng liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng trong giai đoạn giám sát, một số văn bản thuộc chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ Tài chính vẫn chưa được hoàn thành theo đúng tiến độ, một số văn bản chi tiết chậm ban hành hoặc ban hành chậm hơn so với thời điểm Luật có hiệu lực, một số vướng mắc chậm hoặc chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: TTXVN |
Việc chậm tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng đến Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; lãng phí nguồn lực nhà nước, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; làm thất thu NSNN.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát, bổ sung danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành, chậm tiến độ, còn bất cập; trong đó, làm rõ số văn bản được giao chủ trì xây dựng hoặc ban hành theo thẩm quyền nhưng đến nay chưa ban hành hoặc chậm so với tiến độ yêu cầu; lộ trình, kế hoạch ban hành các văn bản này trong thời gian tới...
Thực tế giám sát tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, có những tồn tại, bất cập do quy định trong một số luật chuyên ngành đã được chỉ ra từ năm 2012-2013 nhưng đến nay vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, gây thất thoát, lãng phí. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Tài chính đánh giá làm rõ hơn những bất cập tại các luật chuyên ngành khiến việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước bị thất thoát, lãng phí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để Đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Các thành viên Đoàn giám sát cũng lưu ý vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn rất thấp, đã “lỗi thời” trong thời gian qua vì nếu không sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế thì rất dễ làm cho cán bộ, công chức buộc phải nghĩ cách để “vận dụng linh hoạt”, từ đó dẫn đến vi phạm, làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tài chính phân tích rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó tập trung chủ yếu vào nguyên nhân chủ quan cả ở những việc làm tốt và chưa tốt trong thực hiện pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; báo cáo bổ sung những địa chỉ làm tốt để nhân rộng; đề xuất cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền để tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát…/.
Đ. KHOA