
Còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp Halal (thực phẩm và đồ uống Halal, dược phẩm Halal, mỹ phẩm Halal, thời trang và nghệ thuật, kinh tế số Hồi giáo, du lịch thân thiện với người Hồi giáo…) với quy mô thị trường ước tính lên tới 3.000 tỷ USD đang đặt ra những cơ hội lớn của Việt Nam - với vai trò là cầu nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là một chiến lược hội nhập sâu rộng về văn hóa, giáo dục và du lịch giữa Việt Nam và cộng đồng hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới” - lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.
Đến nay, du lịch Halal là một khái niệm còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Du lịch Halal có thể hiểu là du lịch Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, đảm bảo các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, thị trường du lịch Halal tập trung đông ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Nam Thái Bình Dương, nơi có đông người theo đạo Hồi như: UAE, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ… Việc gia tăng các hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường các quốc gia này chính là cơ hội vàng cho ngành du lịch để chiếm lĩnh nguồn khách tiềm năng.
Nhiều năm nay, du khách từ các quốc gia Hồi giáo đến Việt Nam tăng đáng kể, đặc biệt là thị trường Ấn Độ đang tăng trưởng mạnh khi lượng khách đến Việt Nam năm 2024 tăng trưởng ấn tượng gần 300% so với trước thời điểm Covid-19 (đạt hơn 501.000 lượt khách).
Với hơn 1,9 tỷ người theo đạo Hồi trên toàn thế giới, du lịch Halal đang phát triển nhanh chóng với phân khúc chi tiêu cao, giá trị thị trường du lịch Halal toàn cầu năm 2023 đạt khoảng 266 tỷ USD, năm 2024 ước đạt 276 tỷ USD và tới năm 2030 có thể đạt tới 350 tỷ USD.
Với hơn 30% dân số là tầng lớp trung lưu và giàu có, nguồn khách Halal hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm du lịch Việt Nam đang hướng đến dòng khách này.
“Sự tăng trưởng khách Ấn Độ góp phần đa dạng hóa nguồn khách quốc tế cho du lịch Việt Nam, trong bối cảnh nhiều thị trường lớn khác phục hồi chậm” - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết.
Trong thời gian qua, việc tăng cường kết nối các chuyến bay giữa Việt Nam với nhiều quốc gia Hồi giáo (Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước Trung Đông…) cũng góp phần thúc đẩy lượng lớn du khách từ các nước vào Việt Nam.
Đặc biệt, việc liên tục được các tổ chức du lịch uy tín quốc tế vinh danh là điểm đến an toàn, thân thiện; trang tin uy tín Tripadvisor đã thống kê các nhà hàng, khách sạn tốt nhất nơi du khách Hồi giáo có thể thưởng thức ẩm thực Halal... đã tạo ra sức hút đối với nguồn khách Halal đến Việt Nam khám phá, thưởng thức ẩm thực Halal...
Cần sự nỗ lực của các bên
Halal là thị trường khách hứa hẹn đầy tiềm năng, song để hiện thực hóa nguồn khách từ thị trường này, ngành du lịch vẫn còn nhiều việc phải làm. Bởi cho đến nay, số lượng du khách Hồi giáo đến Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Theo các chuyên gia, để thu hút được du khách, trước tiên các doanh nghiệp phải hiểu được nhu cầu của người Hồi giáo hay du lịch thân thiện với người Hồi giáo, đảm bảo các dịch vụ du lịch cung cấp phù hợp với những yêu cầu đặc thù của đạo Hồi. Muốn vậy, ngành du lịch cần phải có đội ngũ nhân lực có trình độ, hiểu biết về thị trường khách để khai thác hiệu quả tiềm năng.
“Muốn phát triển du lịch gắn với Halal tốt, vấn đề nguồn nhân lực, đào tạo con người đóng vai trò tiên quyết” - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Thu Hà khẳng định, đồng thời nhấn mạnh thêm các cơ sở đào tạo du lịch trên toàn quốc cần chung tay chuẩn bị cho nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, Việt Nam với thế mạnh sở hữu hệ thống di tích, di sản văn hóa đồ sộ, cùng nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng và được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn là điểm đến an toàn chính là yếu tố phù hợp với nhu cầu của thị trường khách này. Tuy nhiên, việc đưa các yếu tố tiềm năng này trở thành nguồn động lực kích thích phát triển du lịch Halal đòi sự nỗ lực rất lớn từ các bên.

Là điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và được đông đảo du khách quốc tế lựa chọn, Hà Nội cũng đang nỗ lực trong thực hiện mục tiêu đón lượng khách lớn từ thị trường Halal. Hiện Thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực phục vụ trong ngành lưu trú và ẩm thực, với chỉ tiêu đến năm 2030 có ít nhất từ 10-20 khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách Hồi giáo, đồng thời khoảng 30% nhà hàng tại khu vực trung tâm có khả năng cung cấp món ăn đạt tiêu chuẩn Halal.
Sở hữu điểm đến độc đáo, khi bao quanh bởi Vườn Quốc gia Ba Vì (TP. Hà Nội), đại diện quản lý Ba Vì Resort cho biết, nơi đây thường xuyên đón khách đến từ thị trường Halal do phù hợp với nhu cầu của du khách, đó là trải nghiệm hòa quyện với tự nhiên, không gian yên bình và đa dạng dịch vụ.
“Tuy nhiên, đây mới chỉ là yêu cầu bước đầu, để thực sự hấp dẫn và níu chân du khách từ thị trường này, doanh nghiệp cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa” - đại diện đơn vị quản lý cho biết.
Đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến trên cơ sở nắm bắt nhu cầu của du khách cũng là lưu ý được các chuyên gia du lịch đưa ra. Theo đó, để khai thác hiệu quả thị trường giàu tiềm năng này, ngành du lịch Halal cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thị trường Halal, chú trọng quảng bá bằng tiếng Anh và các thứ tiếng phổ biến được sử dụng tại các nước Hồi giáo như tiếng Malay, tiếng Ả - rập… Đặc biệt, cần tăng cường tổ chức các sự kiện quốc tế để thúc đẩy du lịch sự kiện, hội thảo (MICE), bởi đây đang là hình thức được du khách rất ưa chuộng.
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, với những giải pháp bắt đầu từ ngành du lịch, trong Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 10/4/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành văn hóa phối hợp phát triển các loại hình, sản phẩm dịch vụ đang được quan tâm như: du lịch sức khỏe, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch golf... Tăng cường tổ chức hình thức du lịch MICE và các sự kiện văn hóa, nghệ thuật du lịch đặc sắc cấp quốc gia, quốc tế gắn với công nghiệp giải trí... Đây cũng là những vấn đề ngành du lịch cần quan tâm khi phát triển du lịch Halal.
Riêng với thị trường khách Ấn Độ, cần mở rộng đường bay, nhất là đường bay thẳng đến các điểm đến của Việt Nam. Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch kiến nghị cần phát triển dịch vụ du lịch phù hợp với nét văn hóa Ấn Độ, có chương trình quảng bá xúc tiến mạnh mẽ, cải thiện chính sách thị thực như ngoài cấp visa tại cửa khẩu từ đó có thể tiến tới miễn thị thực song phương để đón thêm lượng khách có chi tiêu cao từ thị trường này.

Tiếp đó, cần xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ thân thiện với khách du lịch Hồi giáo, kết hợp hài hòa giữa yếu tố du lịch với các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng. Đặc biệt, liên ngành văn hóa, y tế, nông nghiệp và các doanh nghiệp, địa phương cần phối hợp trong việc sản xuất, cung ứng thực phẩm, nguyên liệu và chứng nhận thực phẩm sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn thực phẩm Halal, từ đó thu hút lượng lớn du khách từ thị trường này đến Việt Nam.