Những phiên họp công khai…
Kỳ họp thứ 4 có tổng cộng 26 ngày làm việc thì có đến 11 ngày được phát thanh và truyền hình trực tiếp đến cử tri cả nước. Đây là kỳ họp Quốc hội có số lượng các phiên họp phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và gần dân.
Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên phiên thảo luận về NSNN; về hoạt động của các cơ quan khối tư pháp; về công tác phòng, chống tham nhũng - những vấn đề vốn được coi là nhạy cảm - đã được truyền hình, phát thanh trực tiếp, công khai, dân chủ với những ý kiến thảo luận, góp ý thẳng thắn, trách nhiệm, được cử tri đánh giá cao.
Cũng như các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường luôn sôi động và thu hút sự quan tâm, theo dõi của cử tri cả nước. Hàng loạt vấn đề nóng về nợ công, nợ đọng thuế, hải quan, về hoạt động ngân hàng, nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, tác động của cơ chế thị trường đối với hoạt động truyền thông, những lỗ hổng trong quản lý an ninh mạng… đã được thảo luận một cách sôi nổi. Cử tri đánh giá cao những câu hỏi chất vấn xác đáng, đúng trọng tâm, trọng điểm và những câu trả lời rõ ràng, cụ thể, thể hiện rõ trách nhiệm của các tư lệnh ngành.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã một lần nữa nhấn mạnh: Tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động tiếp tục được thể hiện rõ tại Kỳ họp thứ 4. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, góp phần bảo đảm hoàn thành tốt tất cả các nội dung. Việc đổi mới cách thức thảo luận về kinh tế - xã hội, NSNN, tăng thời gian thảo luận tại hội trường, tăng cường tính đối thoại và tranh luận đã tạo nên sự đồng thuận cao trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng.
Việc bố trí nhiều hơn các phiên truyền hình, phát thanh trực tiếp những nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm, nhất là việc thảo luận về các báo cáo kết quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới… đã góp phần gắn kết hơn nữa hoạt động của Quốc hội với cử tri, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân.
…và những quyết sách quan trọng về tài chính - ngân sách
Cùng với tinh thần công khai, dân chủ, Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội cũng đã có nhiều quyết sách quan trọng cho sự phát triển của đất nước, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến tài chính - ngân sách. Trước những nỗi lo của cử tri và đại biểu Quốc hội về tình hình ngân khố quốc gia khi nợ công sắp chạm trần, chi thường xuyên tăng cao, nợ đọng thuế lớn, vốn đầu tư công giải ngân chậm… Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2018 tiếp tục nhấn mạnh vấn đề siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách.
Đồng thời, giao Chính phủ cần quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán NSNN, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật NSNN. Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về đầu tư công, sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 cũng yêu cầu: Chính phủ phân bổ vốn cho các chương trình, dự án có hiệu quả, có kế hoạch cắt giảm vốn đối với dự án triển khai chậm; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; tăng cường các biện pháp để không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản…
Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế trong quản lý nợ công, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung như: xác định rõ phạm vi nợ công bao gồm: nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương; quy định cụ thể nguyên tắc quản lý nợ công; quy định về nợ vay và cho vay lại…
Đặc biệt, Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công thay vì 3 cơ quan đầu mối như trước đây. Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ là hành lang pháp lý đảm bảo quản lý nợ công an toàn, hiệu quả hơn, đặc biệt là khắc phục tình trạng chồng chéo, phân tán trong quản lý nợ công như kết quả kiểm toán của KTNN đã chỉ ra.
Tiếp đó, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Điểm nhấn của dự luật này là đã xác định 5 phương án để cơ cấu lại các TCTD trong diện kiểm soát đặc biệt (Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc và Phương án phá sản), trong đó lần đầu tiên xuất hiện phương án phá sản một TCTD để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Luật có hiệu lực từ ngày 15/01/2018 và được xem là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Với tinh thần của Kỳ họp thứ 4, cử tri hy vọng những quyết sách từ nghị trường sẽ được Chính phủ triển khai quyết liệt và phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
NGUYỄN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 48 ra ngày 30-11-2017