Dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong ASEAN

(BKTO) - Với tâm thế sẵn sàng, chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tổng thể chung những thành tựu mà Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt được trong năm 2023. Những đóng góp của Việt Nam nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các nước trong khu vực và quốc tế.

3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại TP. Riyadh, Saudi Arabia, tháng 10/2023. Ảnh: ST

Đóng góp xây dựng cộng đồng ASEAN vững mạnh

Điểm lại các hoạt động của ASEAN trong năm qua, Bộ Ngoại giao khẳng định: ASEAN tiếp tục có một năm 2023 thành công với nhiều dấu ấn nổi bật. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh ASEAN chịu tác động mạnh từ rất nhiều biến động phức tạp, khó lường của môi trường quốc tế và khu vực. Trước sự vận động đan xen của các cơ hội và thách thức, ASEAN đã chứng tỏ khả năng linh hoạt thích ứng, từng bước điều chỉnh để chủ động nắm bắt và tận dụng các xu hướng mới phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Các sáng kiến, khuôn khổ như: Chiến lược trung hòa carbon, Khung kinh tế biển xanh ASEAN, Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, hệ sinh thái xe điện ở khu vực là những bước chuyển hướng sáng tạo của ASEAN, cả trong tư duy và hành động, nhằm định hình và dẫn dắt các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới ở khu vực.

Trong năm 2023, ASEAN cơ bản hoàn tất Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 với định hướng xây dựng một ASEAN năng động, sáng tạo, tự cường và lấy người dân làm trung tâm. Quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng ghi nhận những phát triển mạnh mẽ và thực chất trong hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có việc ASEAN thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản, nâng cấp lên đối tác chiến lược với Canada. Vai trò, tiếng nói và vị thế của ASEAN được củng cố nhờ cách tiếp cận và ứng xử cân bằng, trách nhiệm và khách quan của ASEAN trong các vấn đề quốc tế và khu vực.

ASEAN được thành lập ngày 08/8/1967, với 5 thành viên ban đầu; phát triển dần thành một tổ chức hợp tác toàn diện và chặt chẽ, bao gồm cả 10 nước Đông Nam Á và chính thức trở thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015.

Tổng kết sự tham gia của Việt Nam của năm qua, Bộ Ngoại giao cho biết, các quan điểm, đề xuất, sáng kiến của Việt Nam đáp ứng quan tâm và lợi ích chung của các nước và khu vực, góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường hợp tác và liên kết khu vực, khẳng định hình ảnh một Việt Nam hòa hiếu và hữu nghị, xây dựng và trách nhiệm, luôn nỗ lực hết mình vì công việc chung của Cộng đồng.

Trong kết quả chung của ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, hoàn thành tốt các nghĩa vụ thành viên trong triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng, chủ trì nhiều sáng kiến, hoạt động, và đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách… Nhiều ý tưởng của Việt Nam như Bộ Chỉ số phát triển bền vững doanh nghiệp đã được lan tỏa, trở thành dự án chung của ASEAN.

Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. 28 năm qua, với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm”, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Hiệp hội, tạo nền tảng để xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết trên ba trụ cột; duy trì sự đoàn kết, thống nhất trong nội khối, củng cố vai trò trung tâm của Hiệp hội trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Việt Nam đã làm Chủ tịch ASEAN 3 lần (năm: 1998, 2010, 2020), mỗi lần đều để lại những dấu ấn đậm nét.

Việt Nam là cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia

Trao đổi với báo giới, Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng nhấn mạnh, các đóng góp và đề xuất của Việt Nam được đánh giá là hài hòa, cân bằng, vừa góp phần dung hòa khác biệt giữa các nước, vừa thúc đẩy hợp tác nội khối và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác. Những đóng góp của Việt Nam xuyên suốt trên cả ba trụ cột: Chính trị, an ninh kinh tế và văn hóa xã hội. Về chính trị an ninh, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN năm 2020, Việt Nam đề xuất đã đến lúc ASEAN phải nhìn xa hơn cần phải đưa ra định hướng sau năm 2025.

Tiếp tục triển khai sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị cấp cao thông qua Tuyên bố về tầm nhìn phát triển ASEAN trong 20 năm tới đến năm 2045. Việt Nam cũng ủng hộ và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho việc xây dựng Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, về mặt kinh tế, Việt Nam cũng đóng góp rất nhiều trong các văn kiện thỏa thuận giữa lãnh đạo các nước ASEAN với các đối tác. Đóng góp của Việt Nam là làm thế nào để duy trì một môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và cho phát triển của ASEAN là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng.

Hình ảnh một Việt Nam chủ động hơn, tích cực hơn, trách nhiệm hơn và hiệu quả hơn trong tham gia hợp tác ASEAN cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao. Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN Youhannes Abraham nhận định, việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên một tầm cao mới tăng thêm giá trị trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và ASEAN.

Trong bối cảnh ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức lớn cả trong và ngoài khu vực, vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Nhiều nước kỳ vọng Việt Nam đóng vai trò lớn hơn trong ASEAN, trở thành cầu nối giữa ASEAN với các quốc gia đối tác, đối thoại. Đại sứ Nhật Bản tại ASEAN Kiya Masahiko cho biết, Việt Nam nằm trên tuyến đường biển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, là đối tác chính để giải quyết các thách thức an ninh trong khu vực và quốc tế. Không chỉ vấn đề an ninh, Việt Nam cũng là quốc gia có nền kinh tế phát triển trong ASEAN. Việt Nam đang chú trọng sản xuất trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng và là một trong những điểm đến đầy hứa hẹn của các công ty Nhật Bản. “Nhật Bản hiện là nhà đầu tư cũng như cung cấp ODA lớn cho Việt Nam. Vì vậy, tăng cường hợp tác song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ góp phần vào tăng trưởng, hòa bình và ổn định khu vực cũng như hiện thực hóa các mục tiêu của Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” - Đại sứ cho biết.

Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh, những đóng góp của Việt Nam trong 28 năm qua đồng hành cùng ASEAN, với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, Việt Nam không chỉ nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của một nước thành viên, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của ASEAN. “Kể từ khi là thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ASEAN. Dù giữ vai trò nước Chủ tịch ASEAN, thực hiện nhiệm vụ trong Ban Thư ký ASEAN hay là nước điều phối với các đối tác đối thoại, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng luôn thúc đẩy lợi ích của các quốc gia ASEAN. Có thể nói, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, chủ động, đóng góp lớn cho ASEAN” - Tổng thư ký ASEAN khẳng định./.

Cùng chuyên mục
Dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong ASEAN