Chi bộ phải thường xuyên giáo dục từng đảng viên

(BKTO) - Theo lãnh tụ Hồ Chí Minh, đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong chi bộ, muốn có chi bộ tốt thì phải có đảng viên tốt và để có đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục từng đảng viên.

2-3-.jpg
Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (ngày 06/02/1953). Ảnh: ST

Tháng 6/1966, tại Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt” và yêu cầu: “Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục mỗi đồng chí”.

Vì sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại xác định để có đảng viên tốt, chi bộ phải thường xuyên giáo dục từng đảng viên?

Trước hết, việc giáo dục đảng viên của chi bộ mang tính nguyên tắc, được quy định cụ thể trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo Điều lệ thì Chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; làm công tác phát triển đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên; thu, nộp đảng phí. Do đó, giáo dục từng đảng viên phải được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Theo Hồ Chí Minh: Chỉ có trên cơ sở giáo dục tốt đảng viên, chi bộ mới tạo ra sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất, giúp toàn thể đảng viên có tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất - nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả thực hiện công tác lãnh đạo của Đảng và đảng viên. Ngược lại, Người cho rằng nếu chi bộ coi nhẹ, làm không tốt việc giáo dục đảng viên sẽ khiến cho đảng viên không có được sự đoàn kết nhất trí, dẫn đến hậu quả: “Nếu đảng viên tư tưởng và hành động không nhất trí, thì khác nào một mớ cắt rời, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Như vậy thì không thể lãnh đạo quần chúng, không thể làm cách mạng”.

Với cái nhìn biện chứng, lịch sử, cụ thể, Hồ Chí Minh cho rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân” và “Xóa điều xấu, làm điều tốt không thể gấp gáp được…”. Do vậy, Người yêu cầu việc giáo dục đảng viên phải làm thường xuyên, liên tục, xác định đó là việc có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng, củng cố, phát huy phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm của đảng viên, góp phần thiết thực xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Chỉ có trên cơ sở giáo dục tốt đảng viên, chi bộ mới tạo ra sức mạnh của sự đoàn kết thống nhất, giúp toàn thể đảng viên có tư tưởng thống nhất và hành động thống nhất - nhân tố quan trọng quyết định đến hiệu quả thực hiện công tác lãnh đạo của Đảng và đảng viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh cũng nêu rõ nội dung giáo dục đảng viên của chi bộ phải bảo đảm tính toàn diện, đầy đủ, phong phú về mọi mặt. Với mục tiêu làm cho tất cả cán bộ, đảng viên của Đảng trở thành những chiến sĩ cách mạng tiên phong, Người nhắc nhở Đảng phải ra sức tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người Đảng viên. Người luôn quan tâm đến việc giáo dục đảng viên trong các lĩnh vực, công việc cụ thể với những căn dặn chu đáo. Ví dụ về mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng nhân dân, tại Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức vào tháng 8/1953, Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực mà chi bộ cần phải chú ý thực hiện trong giáo dục đảng viên. Người xác định mục đích của việc giáo dục là để: “Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo”. Người cũng căn dặn chi bộ phải chú ý việc giáo dục phù hợp với từng đảng viên, không chung chung, đánh đồng như nhau, trong giáo dục cần kết hợp biểu dương, khen thưởng với phê bình, nhắc nhở. Người yêu cầu: Một điều tốt phải đưa ra cho tất cả mọi người cùng học, một điều xấu phải đưa ra cho tất cả mọi người cùng biết mà tránh. Giáo dục cụ thể, phù hợp. Vào tháng 5/1957, nói chuyện với cán bộ, đảng viên và thanh niên lao động Hải Phòng, Hồ Chí Minh hướng dẫn: “Phê bình cũng ví như người đi bằng hai chân, nếu chỉ phê bình trên thôi thì đi một chân, không thể đi được. Không nên chỉ nêu khuyết điểm sẽ sinh ra bi quan, mà cần phải nêu thành tích nữa”.

Hồ Chí Minh thường coi trọng đến việc giáo dục đảng viên bằng sự gương mẫu của cấp ủy, bí thư chi bộ, gương tốt của đảng viên trong chi bộ, coi đó là một trong những biện pháp tốt nhất để giáo dục đảng viên cũng như quần chúng nhân dân. Người nhấn mạnh: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Gần 94 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức đảng, nhất là các chi bộ đã cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng thực hiện tích cực việc giáo dục đảng viên. Trong thời kỳ đổi mới, việc giáo dục đảng viên càng được Đảng chú trọng, quan tâm với nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận”. Đảng cũng đã có Quy định về những điều đảng viên không được làm, chỉ rõ những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà từng đảng viên phải kiên quyết, kiên trì phòng, tránh, ngăn chặn, đẩy lùi. Đảng cũng luôn yêu cầu từng tổ chức đảng, từng cán bộ đảng viên phải chủ động, tích cực đấu tranh chống lại sự chống phá của thế lực thù địch, thế lực xấu khi chúng đã và đang cố tình xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, tìm mọi cách phá hoại mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Chúng ta cần thực hiện đúng Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng…”.

Để thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có việc giáo dục đảng viên, các tổ chức Đảng, nhất là các chi bộ cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiến hành các giải pháp đồng bộ để cùng với đội ngũ cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Toàn Đảng phải phấn đấu thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa XIII của Đảng, trong đó đã xác định một trong những giải pháp quan trọng là: “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Cùng với cố gắng của toàn Đảng, chúng ta cần huy động sức mạnh to lớn của toàn dân tham gia xây dựng Đảng, thực hiện nghiêm túc phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đặc biệt, cần chú trọng nêu cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, nỗ lực phấn đấu tự giáo dục, tự rèn luyện của từng đảng viên theo đúng quyết tâm mà Nghị quyết của Đảng đã xác định: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với Đảng, với Tổ quốc để thực hiện Nghị quyết một cách nghiêm túc và có hiệu quả, tránh tình trạng thờ ơ, vô cảm, đứng ngoài cuộc hoặc có tư tưởng chỉ trông chờ, phán xét người khác”, thực hiện thành công Nghị quyết 21 Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập, rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng”./.

Cùng chuyên mục
Chi bộ phải thường xuyên giáo dục từng đảng viên