Đậu mùa khỉ: Từ ca nhiễm đầu tiên ở châu Phi đến tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

(BKTO)- Ngày 23/7 vừa qua, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế do tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng.



                
   

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka, Cộng hòa Trung Phi - Nguồn: AFP

   

Cảnh báo của WHO

Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Người đầu tiên được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ là một cậu bé 9 tuổi ở Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) vào năm 1970. Căn bệnh này sau đó đã trở thành dịch bệnh đặc hữu ở khu vực Tây và Trung Phi, nhưng đã lây lan trong hai tháng qua ở nhiều nước. Hiện có trên 16.000 ca mắc ở 78 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số lượng lớn các ca bệnh xuất hiện ở châu Âu. Căn bệnh truyền nhiễm này có liên quan đến virus đậu mùa đã bị xóa sổ vào năm 1980, nhưng ít nghiêm trọng hơn nhiều.

Tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ đang ở mức thấp khi mới có 5 người chết và đã có thể phòng bệnh bằng vaccine đậu mùa sẵn có. Dù vậy, WHO vẫn ban bố tình trạng khẩn cấp với căn bệnh này. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu có nghĩa WHO coi bệnh đậu mùa khỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng khi bệnh bùng phát trên toàn cầu và do đó, cần có cách tiếp cận phối hợp giữa các nước. Có thể nói đây là lời kêu gọi cộng đồng thế giới hành động nhằm ngăn chặn loại virus này lây lan.

Sau tuyên bố của WHO, các chính phủ sẽ phải tăng cường đánh giá, thừa nhận vấn đề về đậu mùa khỉ và vạch kế hoạch hành động. Các quốc gia thành viên của WHO giờ đây phải báo cáo mọi ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 24 giờ; các nước không phải là thành viên cũng có thể báo cáo các ca bệnh hoặc đợt bùng phát tiềm ẩn.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tuyên bố này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Hiện nay, các nước đang dùng vaccine và thuốc kháng virus cho bệnh đậu mùa để tiêm phòng và điều trị cho người mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Các nước có thể yêu cầu thực hiện biện pháp hạn chế về thương mại hoặc đi lại để hạn chế đậu mùa khỉ lây lan, nhưng tới nay, chưa có nước nào thực hiện các biện pháp kiểu này.

Mối quan tâm hiện nay là đậu mùa khỉ tiếp tục lây lan ra nhiều quốc gia khi mà các chuyên gia không hiểu biết đầy đủ về các cách thức lây truyền của virus. Trong bối cảnh đó, WHO kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh các biện pháp giám sát và y tế công cộng, cũng như tăng cường khả năng điều trị, ngăn ngừa và kiểm soát các ca bệnh tại các cơ sở y tế.

WHO cũng khyến khích các quốc gia có năng lực tăng cường sản xuất vaccine, thuốc điều trị và bộ xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ, đề phòng trường hợp các ca bệnh tiếp tục tăng đột biến. WHO coi nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ ở mức trung bình trên toàn cầu, ngoại trừ ở châu Âu - nơi WHO coi nguy cơ là cao.

Các nước tăng cường đối phó đậu mùa khỉ

Ngày 25/7, Chính phủ Mỹ cho biết đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang xảy ra ở nước này. Theo đó, quốc gia này lên kế hoạch bổ nhiệm một quan chức Nhà Trắng phụ trách giám sát và điều phối các nỗ lực ứng phó tình hình bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại nước này

Tính đến ngày 22/7, Mỹ đã ghi nhận 2.891 ca đậu mùa khỉ, trong đó có hai trẻ em và đây cũng là hai ca bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được ghi nhận ở độ tuổi này.Theo dữ liệu từ Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, bang New York ghi nhận nhiều ca mắc nhất, với khoảng 900 ca, tiếp đến là California với 356 ca và Florida với 247 ca. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại do khả năng xét nghiệm chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên có thể số ca mắc trên thực tế cao hơn công bố. Hiện giới chức Mỹ đang điều tra cách thức mà 2 trẻ em, một trẻ đang độ tuổi tập đi và một trẻ sơ sinh, bị lây nhiễm bệnh.

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia cũng đã kích hoạt hệ thống giám sát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập và lây lan.Cục trưởng Cục Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh thuộc Bộ Y tế Indonesia, ông Maxi Rein Rondonuwu, cho biết bộ này đã triển khai giám sát tích cực tại tất cả các điểm nhập cảnh, đặc biệt là tại các cảng biển và sân bay. Theo hệ thống giám sát, bộ phận y tế của các địa điểm nói trên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ ở tất cả các du khách nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh.

Theo ông Rondonuwu, Chính phủ Indonesia cũng đang tiến hành giám sát các nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh đậu mùa khỉ, với sự phối hợp từ một số hội nhóm và tổ chức phi chính phủ. Theo báo cáo từ mạng lưới các phòng xét nghiệm và các cơ sở dịch vụ y tế công cộng, đến nay chưa có ca lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ nào được phát hiện ở Indonesia. Tuy nhiên, ông Rondonuwu cũng kêu gọi người dân trên cả nước luôn tuân thủ các quy trình chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là rửa tay và tránh tiếp xúc trực tiếp với những người có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ. Ngoài việc kích hoạt hệ thống giám sát, Bộ Y tế Indonesia còn chỉ định một phòng xét nghiệm nhằm hỗ trợ kiểm tra các trường hợp lây nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ ở mỗi tỉnh trên toàn quốc.

Trước đó, vào ngày 24/7, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn với các cơ quan y tế công cộng để thảo luận về các biện pháp đối phó với bệnh đậu mùa khỉ. Bộ trưởng Anutin cho biết cuộc họp này là cần thiết sau hành động của WHO, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ thảo luận các biện pháp ngăn chặn cũng như những phương án điều trị với các cơ quan liên quan.

Thái Lan đã thực hiện các bước đối phó với bệnh đậu mùa khỉ kể từ tháng 5, mặc dù trường hợp đầu tiên chỉ được xác nhận vào tuần trước. Kể từ tháng 5, các bệnh viện đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể mắc bệnh này và ngay lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.

Nam Sơn
Cùng chuyên mục
  • Ngày 26/7, số mắc Covid-19 mới tăng lên 1.460 ca
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Theo Bản tin Phòng, chống dịch Covid-19 ngày 26/7 của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua nước ta đã ghi nhận 1.460 ca Covid-19 mới, tăng thêm 564 ca so với hôm qua.
  • Tri ân người có công bằng cả tấm lòng và trách nhiệm!
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Đến nay, đã có 9,2 triệu người có công (NCC) được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Đây là minh chứng cho thấy những năm qua, các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả.
  • Fed có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất
    một năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh lãi suất, bất chấp rủi ro suy thoái, trong bối cảnh vừa phải nỗ lực kìm hãm lạm phát vừa giữ đà tăng trưởng cho nền kinh tế.
  • Sớm hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cần phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan sớm tích hợp, liên thông, đối chiếu, đồng bộ dữ liệu hiện có để hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, phục vụ hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ.
  • Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ
    một năm trước Chính trị
    (BKTO) - Sáng 26/7, Đoàn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022).
Đậu mùa khỉ: Từ ca nhiễm đầu tiên ở châu Phi đến tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu