Hoạt động đặt hàng đào tạo nghề cho lao động đang phát huy hiệu quả
Cơ chế đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công hiện nay đang được thực hiện theo Nghị định số 130/2013/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công sử dụng NSNN. Tuy nhiên, các quy định này đang bị dàn trải, trùng lặp (cùng một nội dung, một danh mục dịch vụ công sử dụng kinh phí NSNN nhưng lại có hai khái niệm khác nhau và tổ chức thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng khác nhau trong cả hai văn bản). Mặt khác, nhiều quy định đã không còn phù hợp với luật, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (đơn cử như quy định về lựa chọn nhà thầu phải thực hiện theo Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ)... Những vấn đề này khiến cho việc thực hiện đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công tại các Bộ, ngành gặp nhiều vướng mắc.
Thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) được giao chủ trì thực hiện thí điểm đặt hàng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình độ cao đẳng, trung cấp. Đến nay, Bộ đã đặt hàng với 26 cơ sở GDNN, bao gồm 12.107 chỉ tiêu (4.368 chỉ tiêu cao đẳng, 7.739 chỉ tiêu trung cấp). Qua thực tế triển khai hình thức đặt hàng GDNN, DN được tham gia vào toàn bộ quá trình đào tạo, như: quản lý, đào tạo nghề và nhận học sinh sau khi tốt nghiệp. Cơ sở GDNN đào tạo theo nhu cầu của DN, tránh lãng phí về thời gian, tài chính cho xã hội và người học.
Tuy nhiên, lĩnh vực GDNN đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế này do quy định hiện hành không phù hợp. Theo TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH), một trong những nhân tố quan trọng góp phần mang lại kết quả cho GDNN, đó là sự tham gia của DN. Song, do quy định về đặt hàng không có hướng dẫn cụ thể với đối tượng tham gia là DN, dẫn đến việc kêu gọi DN tham gia đặt hàng đào tạo khó khăn, mới dừng lại ở việc thí điểm.
Tương tự, điện ảnh là một trong những lĩnh vực thuộc ngành văn hóa có chủ trương chuyển từ Nhà nước cấp ngân sách sang đặt hàng sản phẩm từ sớm, song đến nay, nhiệm vụ này vẫn khó thực hiện. Sau thành công của bộ phim được Nhà nước đặt hàng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” ra mắt năm 2014, đến nay, chưa có phim nào được thực hiện theo cơ chế này. Đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, do các quy định về đặt hàng chồng chéo, nên việc triển khai đặt hàng làm phim tại Bộ rất dè dặt vì lo ngại vi phạm quy định; mặt khác, việc xây dựng định mức, đơn giá đặt hàng phim chưa tính đến yếu tố đầu ra, dẫn đến phim sản xuất khó phát hành do không được tiếp thị, truyền thông tốt...
Nâng quyền, trách nhiệmcủa đơn vị sử dụng ngân sách
Nghị định 32 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/6 tới đây được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập nêu trên. Theo đó, Nghị định quy định cụ thể về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, đối với sản phẩm, dịch vụ công thực hiện theo các phương thức này.
Đánh giá về sự ra đời của Nghị định 32, đại diện Cục Điện ảnh và Tổng cục GDNN - các đơn vị từng thí điểm đặt hàng nhiều dịch vụ công - cho rằng, các quy định mới sẽ giúp cởi bỏ “nút thắt” bấy lâu trong đặt hàng dịch vụ công. Từ đây, cơ chế đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công sẽ được thông suốt, cởi mở hơn. Tuy nhiên, đại diện các cơ quan này cũng cho rằng, Nghị định 32 đã quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả. Do đó, sẽ không có chuyện dễ dãi trong thực hiện cơ chế này, mà tính hiệu quả, minh bạch, chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu.
Theo đại diện Tổng cục GDNN, trong bối cảnh các cơ sở GDNN đang đẩy mạnh thực hiện tự chủ, sự ra đời của Nghị định 32 sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các trường đổi mới hoạt động cũng như có thêm nguồn hỗ trợ từ NSNN thông qua đặt hàng đào tạo. Nói về định hướng thực hiện cơ chế này trong thời gian tới, đại diện Tổng cục GDNN cho biết, Tổng cục đã đưa ra một số giải pháp, đó là: cần xác định nhu cầu của DN; tiếp tục thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng đào tạo đối với những ngành, nghề đặc thù; những ngành, nghề thị trường lao động có nhu cầu nhưng khó thực hiện xã hội hóa...
Tuy nhiên, để đưa Nghị định vào cuộc sống, Bộ LĐ-TB&XH cần khẩn trương có hướng dẫn về chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích và các chi phí khác có liên quan. Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 32, trong đó đảm bảo yêu cầu hoạt động đặt hàng, đấu thầu dịch vụ công được triển khai thông suốt; việc sử dụng NSNN vào đặt hàng, giao nhiệm vụ phải minh bạch, hiệu quả cũng như có cam kết về chất lượng dịch vụ công đến với người dân.
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 23-5-2019