Đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố: Kỳ II - Quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả

(BKTO) - Do thiếu căn cứ xác định nhu cầu nên việc mua sắm chưa phù hợp thực tế, dẫn đến công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế (TTBYT) còn nhiều bất cập, hạn chế. Vấn đề này đã được KTNN chỉ ra qua thực tế kiểm toán.



Nơi “đắp chiếu”,nơi thiếu trang thiết bị

Kết quả kiểm toán các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế cho thấy, việc quản lý, sử dụng TTBYT tại một số đơn vị còn thiếu chặt chẽ nên có tình trạng TTBYT sử dụng kém hiệu quả, ít sử dụng. Một số đơn vị do chưa xác định nhu cầu cấp thiết hay xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực nên khi đầu tư mua sắm chưa đưa vào khai thác, sử dụng hoặc ít sử dụng gây lãng phí cho NSNN.

Tại 15 đơn vị kiểm toán chi tiết, có 98 thiết bị chưa sử dụng và thiết bị ít sử dụng, tương ứng với 46,5 tỷ đồng; có 157 thiết bị hỏng chưa kịp thời sửa chữa tương ứng gần 74,7 tỷ đồng; 228 thiết bị hỏng không sửa chữa được tương ứng 45,8 tỷ đồng, trong đó, một số đơn vị có thiết bị mới đưa vào sử dụng nhưng đã bị hỏng, phải sửa chữa, khắc phục; thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được. Ngoài ra, một số đơn vị sử dụng thiết bị của đơn vị ngoài nhưng không ký hợp đồng mượn máy và không có tài liệu chứng minh xuất xứ, chất lượng của máy.

Công tác kiểm kê TTBYT của các đơn vị cũng chưa đảm bảo quy định, chưa thực hiện kiểm kê hoặc công tác kiểm kê chỉ là hình thức; trong biên bản kiểm kê cuối năm không ghi đầy đủ xuất xứ, không ghi tình trạng thiết bị thừa, thiếu, hỏng để đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định; cuối năm không thực hiện kiểm kê thiết bị liên doanh, liên kết…

Theo kết quả kiểm toán tại 8 tỉnh, thành phố, tổng số trang thiết bị hỏng, sử dụng còn hạn chế là 1.225 thiết bị với tổng nguyên giá là hơn 371,8 tỷ đồng, trong đó: trang thiết bị hỏng không khắc phục được là 649 thiết bị, tổng nguyên giá 68,5 tỷ đồng; trang thiết bị hỏng chưa được sửa chữa 120 thiết bị, tổng nguyên giá 151,7 tỷ đồng; trang thiết bị chưa hoặc ít sử dụng 456 thiết bị, tổng nguyên giá 151,5 tỷ đồng. Cá biệt, còn khá nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Báo cáo kiểm toán chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác xác định nhu cầu đầu tư chưa chính xác; công tác quản lý thiết bị tại cơ sở y tế, trình độ bác sỹ, kỹ thuật viên vận hành, bảo trì, sửa chữa thiết bị y tế còn hạn chế; kinh phí cấp cho hoạt động duy tu, sửa chữa thiết bị hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu; nhiều thủ tục hành chính làm chậm thời gian sửa chữa thiết bị… Tại các địa phương, nhiều thiết bị còn tồn đọng đã làm giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh cho người dân.

Trong khi đó, tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện lại chưa được trang bị đầy đủ theo quy định của Bộ Y tế; Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Pháp y thiếu khá nhiều danh mục TTBYT thiết yếu…

Nhìn chung, do nguồn kinh phí hạn hẹp, đầu tư từ nhiều nguồn vốn, nhiều thời điểm nên trang thiết bị của các cơ sở y tế còn thiếu, chưa đồng bộ, một số thiết bị công nghệ đã lạc hậu. Trang bị trên xe cứu thương chuyên dùng không đầy đủ theo quy định; cơ sở hạ tầng tại một số cơ sở y tế còn thiếu, chưa đồng bộ, xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, ảnh hưởng nhiều đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lỏng lẻo trong quản lý,kiểm soát vật tư, hóa chất

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý, kiểm soát việc nhập xuất, theo dõi, ghi chép vật tư, hóa chất tại các cơ sở y tế. Theo đó, hàng hóa bàn giao không ghi đầy đủ xuất xứ, hạn sử dụng, tiêu chuẩn chất lượng. Kiểm kê kho còn phát hiện thừa, thiếu nhưng chưa xử lý dứt điểm dẫn đến chênh lệch giữa số tồn trên sổ sách và thực tế; chưa tuân thủ quy định xuất, nhập tồn; sổ theo dõi chưa phản ánh đầy đủ số lượng vật tư, hóa chất xuất nhập hằng ngày, còn tẩy xóa; cơ sở vật chất tại một số đơn vị không đảm bảo cho công tác quản lý, lưu trữ, bảo quản hóa chất, vật tư.

Cũng theo kết quả kiểm toán, nhiều cơ sở y tế chưa xây dựng định mức tiêu hao vật tư, hóa chất làm căn cứ quản lý chặt chẽ và kiểm soát chi phí vật tư, hóa chất sử dụng. Tình trạng này xảy ra tại một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế; 12/13 đơn vị được kiểm toán tại TP. Hà Nội; 6/7 đơn vị được kiểm toán tại TP. Hải Phòng… Công tác lập kế hoạch, dự trù, tổng hợp nhu cầu còn chưa sát dẫn đến có đơn vị để tồn kho lớn, trong khi có một số đơn vị cung ứng hàng cho các kho lẻ chưa kịp thời, ảnh hưởng đến công tác điều trị, khám, chữa bệnh.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra tại một số đơn vị, vật tư còn tồn ở các khoa nhưng đã quyết toán kinh phí, tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng. Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư, có tình trạng vật tư sử dụng cho người bệnh nhưng Bệnh viện không nhập, không quản lý chất lượng, giá cả vật tư mà để các công ty trực tiếp cung cấp cho người bệnh.

Cá biệt, tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, KTNN phát hiện tình trạng thu tiền vật tư tiêu hao thiết yếu mà người bệnh đã sử dụng như: găng tay, bông gạc, kim khâu, bơm kim tiêm… trong khi về nguyên tắc các vật tư này đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Chọn mẫu các dịch vụ y tế là các ca phẫu thuật tại phòng mổ năm 2015, tổng số vật tư tiêu hao thông thường đã thu tiền của bệnh nhân là hơn 1,4 tỷ đồng; Bệnh viện thực hiện thu tăng thêm 5 - 10% so với giá trúng thầu của vật tư khi thu tiền của bệnh nhân, tổng số tiền thu tăng thêm trong năm 2015 là hơn 11,9 tỷ đồng. (Kỳ sau đăng tiếp)

KIM AN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019
Cùng chuyên mục
Đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế của Bộ Y tế và 8 tỉnh, thành phố: Kỳ II - Quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả