Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ không cần thiết

(BKTO) - Cắt giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết sẽ giúp cho công chức, viên chức có thêm thời gian để tập trung vào chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đồng thời tiết kiệm kinh phí rất lớn cho người học, xã hội. Thay vì yêu cầu các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết, Bộ Nội vụ đề nghị các các Bộ, ngành, đơn vị hướng tới đào tạo theo vị trí việc làm, khung năng lực đề ra.



Giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm áp lực về bằng cấp

Vừa qua, Bộ Nội vụ đã đề xuất cắt giảm hàng loạt chứng chỉ bồi dưỡng với công chức, viên chức của Bộ Nội vụ. Đề xuất này được Chính phủ đồng ý, các Bộ, ngành đồng thuận cao.

Theo rà soát của Bộ Nội vụ, hiện có 79 ngạch công chức yêu cầu 66 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn; 74 ngạch yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ; 74 ngạch yêu cầu chứng chỉ tin học.

Ngoài việc đề xuất bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học đối với 74 ngạch công chức, Bộ Nội vụ đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức. Số chứng chỉ được đề xuất cắt giảm nhiều nhất là với ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ (Bộ Tài chính) giảm 15/19 chứng chỉ.

Theo đó, kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính, kế toán viên, kế toán viên trung cấp sẽ còn lại một loại chứng chỉ duy nhất thay vì 4 loại.

Tương tự, kiểm tra viên cao cấp thuế, kiểm tra viên chính thuế, kiểm tra viên thuế, kiểm tra viên trung cấp thuế, nhân viên thuế từ 5 chứng chỉ sẽ giảm còn một chứng chỉ.

Kiểm tra viên cao cấp hải quan; kiểm tra viên chính hải quan; kiểm tra viên hải quan; kiểm tra viên trung cấp hải quan; nhân viên hải quan cũng được đề xuất còn lại một chứng chỉ thay vì 5 chứng chỉ như trước đây.

Thông tin về việc cắt giảm các văn bằng, chứng chỉ không phù hợp đối với công chức, viên chức tại buổi họp báo quý 2/2021, chiều 18/6, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức Nguyễn Tư Long cho biết - ngày 11/6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 02/2021/TT-BNV về việc không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong việc tuyển dụng và trong quá trình dự thi nâng ngạch đối với công chức hành chính. “Qua phản hồi của dư luận và đặc biệt từ đội ngũ công chức, viên chức những ngày qua cho thấy sự hưởng ứng, tán đồng. Đây là điều quan trọng nhất” - ông Nguyễn Tư Long nhấn mạnh.
                
   

Ông Nguyễn Tư Long - Phó vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức, Bộ Nội vụ thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: N.LỘC

   

Ông Nguyễn Tư Long cho rằng, việc cắt giảm văn bằng, chứng chỉ không cần thiết sẽ giúp xã hội tiết kiệm nhiều tỷ đồng, chưa kể tiết kiệm được rất nhiều về thời gian, chi phí xã hội, những vấn đề phức tạp khi đi học. Chủ trương chung là thực hiện quản lý công chức theo vị trí việc làm, nên việc giảm văn bằng chứng chỉ cũng có nghĩa đối với những vị trí việc làm nào cần thiết tương ứng với trình độ nào thì mới cần đáp ứng ở trình độ như vậy, sẽ giảm rất nhiều gánh nặng của văn bằng, chứng chỉ.

Theo đó, đối với các ngạch công chức, viên chức không yêu cầu văn bằng, chứng chỉ, thì các văn bằng, chứng chỉ sẽ không còn là điều kiện bắt buộc để tuyển dụng, thi và nâng ngạch như trước đây.

Hướng tới đào tạo theo kiến thức kỹ năng, vị trí việc làm, khung năng lực đề ra

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Công chức Viên chức, Bộ Nội vụ đang thực hiện chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính đối với người dân, DN, đồng thời phải cắt giảm những thủ tục hành chính, quy định rườm rà đối với đội ngũ công chức, viên chức. Mục tiêu là giảm tải áp lực về văn bằng, chứng chỉ không cần thiết trong công việc, học tập.

Thông tin tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, thời gian tới, nước ta hướng tới đào tạo theo kiến thức kỹ năng, vị trí việc làm, khung năng lực đề ra. Bộ Nội vụ sẽ đôn đốc, trao đổi với các Bộ, ngành, các địa phương để từng đơn vị có những rà soát kỹ lưỡng hơn cho các bước tiếp theo.
                
   

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa (người đứng) thông tin tại cuộc họp.
   Ảnh: N.LỘC

   

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cũng khẳng định, việc cắt giảm một số loại chứng chỉ không đồng nghĩa với việc giảm yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, viên chức mà đặt ra yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức, viên chức phải thực chất hơn, phục vụ trực tiếp công việc, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Theo đại diện Bộ Nội vụ, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm văn bằng, chứng chỉ là nhiệm vụ chung của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Chính phủ về cải cách hành chính và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đội ngũ công chức, viên chức, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp đột phá về cơ chế, phương thức quản lý, sử dụng công chức, viên chức.

Chủ trương cắt giảm mạnh các văn bằng, chứng chỉ không cần thiết vừa qua cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo hiện nay. Theo đó, sẽ không có chuyện người học bắt buộc phải học các loại chứng chỉ mà các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng phải tự tìm hiểu xem các cơ quan, tổ chức đang cần những công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu như thế nào; đội ngũ công chức, viên chức đang cần kiến thức, kỹ năng gì để đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

Các cơ sở đào tạo phải có hình thức cung cấp các dịch vụ, xây dựng chương trình bồi dưỡng thích hợp; phải để việc học và cấp các chứng chỉ là nhu cầu tự thân của mỗi viên chức để đáp ứng các yêu cầu trong công việc của họ. Như vậy mới phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với quy luật cung – cầu.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm áp lực về văn bằng, chứng chỉ không cần thiết