Đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển đất nước

(BKTO) - Ngành ngoại giao cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, xác định ngoại giao phục vụ phát triển là nhiệm vụ trung tâm, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương phù hợp với thế và lực mới của đất nước.



Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao về việc triển khai đường lối đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhân dịp kỷ niệm 77 năm thành lập ngành ngoại giao vào chiều 23/8.
                
   

Quang cảnh buổi làm việc.Ảnh: BNG

   

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo kết quả đạt được trên các mặt công tác trong lĩnh vực đối ngoại, công tác xây dựng ngành và đề xuất các trọng tâm, biện pháp triển khai công tác của Bộ Ngoại giao trong thời gian tới.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng những đóng góp to lớn, ý nghĩa của ngành ngoại giao, đánh giá cao ngành ngoại giao trong suốt 77 năm qua đã luôn nỗ lực phát huy truyền thống, tư tưởng ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, mạnh dạn tìm đột phá để phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong môi trường đối ngoại rất phức tạp và khó lường, ngành ngoại giao đã triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội; củng cố cục diện và môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, ngành ngoại giao đã chủ động tham mưu, tích cực, sáng tạo trong triển khai, không để bị “đứt gãy” quan hệ với các đối tác, tiếp tục đưa quan hệ với nhiều đối tác đi vào chiều sâu.

Trong đó, ngoại giao y tế và ngoại giao vắc xin đã đóng góp quan trọng vào việc tranh thủ vận động nguồn lực hỗ trợ Việt Nam về thiết bị y tế, vắc xin phòng Covid-19, giúp Việt Nam đạt tỷ lệ cao hàng đầu thế giới về bao phủ tiêm vắc xin cho người dân, tạo nền tảng để đất nướcchuyển đổi trạng thái, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới.

Bên cạnh đó, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển cũng đạt được nhiều thành tựu, tận dụng được các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những ưu đãi thị trường rộng mở, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư gia tăng mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, duy trì tốc độ tăng trưởng và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nêu định hướng phát triển của ngành ngoại giao trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị ngành ngoại giao cần tiếp tục xác định đối ngoại độc lập, tự chủ là chủ trương lớn quan trọng nhằm giữ nước từ sớm, từ xa.

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, nhằmđạtđược những kết quả thực chất, bền vững.../.

DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ phát triển đất nước