Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023

(BKTO) - Theo các chuyên gia, năm 2023, dự báo nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước những diễn biến phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng của tình hình thế giới. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, là một động lực tăng trưởng chính, góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

10-thay.jpg
Tính đến ngày 30/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt 58,33% kế hoạch. Ảnh sưu tầm

Giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn đạt tỷ lệ thấp

Nhìn lại năm 2022, đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết, kế hoạch đầu tư công thực hiện trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều thay đổi nhanh, mạnh, cùng với những yếu tố mới xuất hiện nằm ngoài dự báo. Đồng thời, năm 2022 là năm đầu tiên triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nên cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Ngoài ra, đây cũng là năm có số vốn cần giải ngân khá lớn, tăng 26% (khoảng 120.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2021 và cũng là năm chịu tác động của nhiều yếu tố từ bên ngoài dẫn tới giá nguyên, nhiên vật liệu, cước phí vận chuyển hàng hóa quốc tế… tăng cao. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, kết quả thực hiện vẫn còn hạn chế. Cụ thể, tính đến ngày 30/11, giải ngân vốn đầu tư công đạt 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch, thấp hơn so với mức 63,86% của cùng kỳ năm 2021.

Nhận định về nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, theo ông Phương, trước hết là do còn có những vướng mắc, bất cập trong khuôn khổ thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến các lĩnh vực: Đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, đầu tư công… Ví dụ như: Liên quan đến lĩnh vực đất đai, các quy định hiện hành chưa quy định rõ thẩm quyền bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án đi qua 2 địa phương, trong khi nhu cầu triển khai các dự án liên vùng để liên thương giữa các địa phương là rất lớn. Liên quan đến lĩnh vực xây dựng, việc thẩm định “Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng” quy định: Toàn bộ các dự án nhóm A, B của Bộ, cơ quan Trung ương; dự án nhóm A do địa phương quản lý; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 2 tỉnh trở lên đều phải trình Bộ Xây dựng hoặc Bộ chuyên môn về xây dựng thẩm định Báo cáo. Quy định này tạo sức ép rất lớn lên cơ quan thẩm định và ảnh hưởng đến tiến độ thẩm định Báo cáo…

Bên cạnh nguyên nhân khách quan bắt nguồn từ chính sách, quy định pháp luật, ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng, còn có nguyên nhân chủ quan, nhất là các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Theo ông Hưng, trong cùng một hệ thống quy định pháp luật, nhưng có Bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công rất tốt, ngược lại có đơn vị kết quả thực hiện còn kém. Chẳng hạn, 11 tháng năm 2022, Thanh tra Chính phủ có tỷ lệ giải ngân đạt 100%, Tiền Giang đạt 82%...; trong khi đó, có 12 Bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp (hơn 30%). “Thực tế này cho thấy, công tác tổ chức thực hiện của các đơn vị cũng là một trở ngại, phụ thuộc vào quyết tâm chính trị và sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công” - ông Hưng nhấn mạnh.

Cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Đồng thời, năm 2023 cũng phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với sức ép giải ngân vốn đầu tư công rất lớn trong năm 2023, theo ông Phương, để có thể hoàn thành kế hoạch, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án để có thể giải ngân ngay từ tháng đầu năm. Đồng thời, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, các đơn vị cần tăng cường năng lực của các chủ thể tham gia thực hiện các dự án thông qua việc lựa chọn các nhà thầu xây dựng và tư vấn có đủ năng lực; tạo điều kiện, tăng tính chủ động về tài chính cho các nhà thầu thông qua việc tăng tỷ lệ tạm ứng hợp đồng, kết hợp các giải pháp kiểm soát quá trình giải ngân để đảm bảo nguồn vốn của dự án được sử dụng đúng mục đích, phát huy tối đa hiệu quả.

Đặc biệt, theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; nhất là cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công cũng cần phải gắn với kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công. “Từ thực tiễn ở một số địa phương, Bộ, ngành có kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất cao cho thấy, nơi nào người đứng đầu đơn vị quan tâm sát sao đến việc triển khai đầu tư công, nơi đó giải ngân vốn tốt hơn. Khó khăn, vướng mắc về chính sách là giống nhau, nhưng vẫn có địa phương, Bộ, ngành làm tốt, tức là vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực hiện” - ông Đức nhấn mạnh.

Từ góc nhìn địa phương, ông Trương Hòa Châu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp - đưa thêm kiến nghị, Chính phủ cần thực hiện phân cấp, ủy quyền cho địa phương được điều chỉnh, bổ sung danh mục đầu tư và vốn bố trí giữa các dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương (theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Đầu tư công), đảm bảo không vượt quá tổng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Trung ương giao và báo cáo lại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thực hiện điều này sẽ nâng cao trách nhiệm và tạo sự chủ động cho địa phương trong việc sử dụng vốn đầu tư công cũng như trong công tác quản lý điều hành kế hoạch vốn./.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023