Đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính hướng đến giảm phát thải

(BKTO) - Ngành xây dựng là một trong những lĩnh vực có phát thải lớn trong quá trình xây dựng, phát triển các dự án. Do đó, trong thời gian tới, ngành xây dựng sẽ đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính để hướng đến thực hiện giảm phát thải, góp phần hiện thực hóa cam kết về giảm phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Kiểm kê khí nhà kính - “Nền tảng” cho lộ trình giảm phát thải” tổ chức mới đây, ông Tào Khánh Hưng - Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng cho biết, Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết giảm mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi các quốc gia phải thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ và đẩy mạnh giảm phát thải.

xd.jpg
Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Kiểm kê khí nhà kính - “Nền tảng” cho lộ trình giảm phát thải” do Báo Xây dựng phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam tổ chức vào ngày 22/12, tại Hà Nội. Ảnh: D.THIỆN

Đối với Việt Nam, ông Hưng cho biết, để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0”, bên cạnh các nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể thì Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.

Theo đó, các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính đã bắt đầu được áp dụng thực hiện từ năm 2023. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon, thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon... sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát thải, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững.

Đối với ngành xây dựng, PGS,TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính cho nhóm ngành vật liệu xây dựng ưu tiên.

Kết quả kiểm kê cho thấy, tổng phát thải khí nhà kính đối với sản xuất vật liệu xây dựng năm 2022 là 101,89 triệu tấn C02. Trong đó, sản xuất xi măng là ngành có tỷ trọng phát thải khí nhà kính lớn nhất, chiếm khoảng 90% tổng phát thải trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Anh, tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có 50 cơ sở sản xuất xi măng là những đơn vị đầu tiên phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê khí nhà kính.

Đến năm 2026, các cơ sở này phải bắt đầu xây dựng, triển khai các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để đáp ứng đủ tiêu chuẩn trước khi được phép tham gia thị trường giao dịch tín chỉ carbon.

“Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong năm nay, Bộ sẽ trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, trong đó đã bổ sung một số cơ sở sản xuất gạch, kính xây dựng vào danh mục các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, dự kiến văn bản này sẽ được ban hành vào đầu năm 2024” - ông Anh cho biết thêm.

Trước yêu cầu đặt ra nhằm thực hiện giảm phát thải đối với ngành xây dựng, là một trong những ngành có phát thải nhiều nhất, theo ông Lương Quang Huy - Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những xu hướng quan trọng nhất ngành xây dựng cần hướng đến là tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong quá trình xây dựng, đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển các công trình, dự án theo hướng “xanh hóa”.

Theo đó, ngành xây dựng cần tiến hành rà soát, bổ sung, ban hành mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh, để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện thiết kế, thi công và quản lý, vận hành các dự án, công trình xanh, đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận về sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, trung hòa carbon.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để tăng cường nhận thức của doanh nghiệp, người dân về lợi ích của sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh. Đồng thời, cần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng các yêu cầu về quản lý, thực hiện đánh giá, chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh.

Về phía doanh nghiệp, theo đại diện Công ty Eurowindow, việc sử dụng các loại vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng có thể giúp giảm đến 50% lượng khí nhà kính phát thải.
Do đó, doanh nghiệp đề xuất Chính phủ cần tiếp tục ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh; đồng thời tăng cường các chế tài xử lý các trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành.

Theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tối thiểu giai đoạn đến năm 2030 mà Bộ Xây dựng phải đạt được là 74,3 triệu tấn C02. Trong đó, 3 lĩnh vực của ngành xây dựng phải giảm phát thải khí nhà kính và phải được kiểm kê khí nhà kính bao gồm: các quá trình công nghiệp; tiêu thụ năng lượng trong sản xuất xi măng; xây dựng các tòa nhà.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh kiểm kê khí nhà kính hướng đến giảm phát thải