Sáng 10/12, KTNN chuyên ngành II phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và 12 địa phương.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Thanh Hà và Phó Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Hà Minh Tuấn chủ trì Tọa đàm; cùng tham dự có đại diện lãnh đạo, kiểm toán viên các KTNN chuyên ngành, khu vực. Tọa đàm được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chậm từ văn bản quy phạm pháp luật đến dự toán, phân bổ kinh phí
Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội thông qua việc cung cấp tài nguyên và điều kiện sống cho con người; là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu là một nội dung, biện pháp quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, môi trường được xây dựng và ban hành, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Với nhiệm vụ của cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, thời gian qua, KTNN đã chú trọng và thực hiện nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề môi trường hoặc lồng ghép nội dung kiểm toán công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong các cuộc kiểm toán thường niên. Riêng năm 2024, KTNN triển khai thực hiện kiểm toán chuyên đề với phạm vi toàn ngành về “Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023” tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương và 12 tỉnh, thành phố.
Theo ông Nguyễn Minh Dương - KTNN chuyên ngành II, đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chuyên đề, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các bộ, ngành được được giao chủ trì, phối hợp xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật để hướng dẫn chi tiết Luật.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, việc xây dựng các văn bản vẫn chưa hoàn thành và công tác phối hợp của các bộ, ngành với Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa đầy đủ, dẫn đến đến việc xây dựng, ban hành văn bản chưa kịp thời hoặc các nhiệm vụ đề xuất bị cắt giảm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.
Về công tác lập, giao, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí, giai đoạn 2021-2023, các Bộ giao dự toán cho các đơn vị thấp hơn số dự toán do Bộ Tài chính giao, chưa đúng quy định theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Dự toán lập chưa sát thực tế và nguồn lực có hạn của ngân sách nhà nước dẫn đến dự toán thực tế được phân bổ thấp hơn nhiều so với nhu cầu đề xuất. Dự toán giao, phân bổ muộn, các đơn vị không kịp triển khai trong năm dẫn đến phải chuyển nguồn toàn bộ kinh phí được giao bổ sung.
Kết quả kiểm toán công tác quản lý một số dự án đầu tư sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023 cho thấy, nhiều bất cập, hạn chế trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế thi công và dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu; công tác ký kết và thực hiện hợp đồng; công tác quản lý khối lượng, đơn giá, chất lượng công trình, quyết toán dự án hoàn thành.
Chia sẻ về thực trạng tại địa phương, ông Đoàn Quốc Hưng - KTNN khu vực IX thông tin, kết quả kiểm toán tại An Giang, Đồng Tháp cho thấy, cơ quan tài chính chưa xem xét đến việc thẩm định, bố trí dự toán kinh phí cụ thể thực hiện các nội dung, chỉ tiêu đề ra trong các kế hoạch, chương trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan đến giai đoạn 2021-2023 do UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.
Cơ quan tài chính chưa xem xét đến việc thẩm định, bố trí dự toán kinh phí cụ thể thực hiện các nội dung, chỉ tiêu đề ra trong các kế hoạch, chương trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có liên quan đến giai đoạn 2021-2023 do UBND cấp tỉnh, cấp huyện ban hành. Địa phương chưa tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung, chỉ tiêu đề ra trong các kế hoạch, chương trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chưa tổng hợp báo cáo đầy đủ các kết quả thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường;
Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố được kiểm toán chưa phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt để xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Áp dụng đơn giá xử lý nước thải (nước rỉ rác), chưa phù hợp đơn giá của UBND tỉnh, dẫn đến thanh toán vượt định mức về đơn giá…
Còn theo KTNN khu vực VI, một số địa phương thuộc địa bàn đơn vị được kiểm toán chưa có cơ chế thúc đẩy việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải một cách hiệu quả; tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị đạt tỷ lệ rất thấp; lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường còn cao; hầu hết các khu dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Việc nghiệm thu, quyết toán chưa chặt chẽ, còn tình trạng xe chở rác chở quá trọng tải, công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý rác thải, chất thải, tính toán khối lượng, cự ly vận chuyển rác chưa chính xác.
Những sai sót này một phần nguyên nhân đến từ đơn vị sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường, nhưng cũng có một số trường hợp do cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước ban hành chưa rõ ràng, kịp thời. Từ các phát hiện kiểm toán, KTNN đã kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện 16 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 11 văn bản luật, hướng dẫn thi hành luật và 5 văn bản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguồn kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường
Theo Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Thanh Hà, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là lĩnh vực rộng, trải dài khắp cả nước, vì vậy việc thu thập thông tin, dữ liệu để lập kế hoạch, xác định nội dung, trọng yếu và lập báo cáo kiểm toán gặp nhiều khó khăn, phải tổng hợp dữ liệu từ các các địa phương, đoàn kiểm toán của KTNN các khu vực.
Ngoài ra, việc tổng hợp số liệu quyết toán kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu gặp khó khăn do không có báo cáo quyết toán riêng (kinh phí bảo vệ môi trường chỉ là một chỉ tiêu trên hệ thống báo cáo quyết toán). Một số đơn vị không phân tách rõ nguồn kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu mà tổng hợp chung vào mục bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Huệ Minh - Vụ Tổng hợp cho rằng, những năm qua, KTNN đã thực hiện nhiều chủ đề kiểm toán môi trường, nhưng hầu hết đều có phạm vi rộng, bao gồm: chi hoạt động sự nghiệp, đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt đối với nội dung chi ngân sách nhà nước lại bao gồm nhiều tiểu nội dung đòi hỏi chuyên môn sâu và nhiều thời gian để thực hiện.
Bên cạnh đó, cuộc kiểm toán chuyên đề biến đổi khí hậu phần lớn được thực hiện lồng ghép với nội dung kiểm toán ngân sách hoặc chuyên đề khác, trong khi thời gian mỗi cuộc kiểm toán tối đa 60 ngày; nội dung kiểm toán liên quan và được lựa chọn kiểm toán tại nhiều bộ, ngành, đơn vị, dẫn đến phần nào áp lực về khối lượng và tiến độ công việc cho Đoàn kiểm toán.
Một trong những yếu tố khách quan tác động đến công tác thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm toán là cơ sở dữ liệu, đầu mối về kiểm toán môi trường hiện chưa được hoàn thiện dẫn đến những khó khăn trong xác định đúng, trúng đơn vị được kiểm toán. Đoàn kiểm toán gặp khó khăn trong thu thập số liệu chi đầu tư phát triển lĩnh vực bảo vệ môi trường do đơn vị báo cáo không có dự án đầu tư, dẫn đến hạn chế trong việc xác định rủi ro, trọng yếu từ bước xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Ngoài ra, giai đoạn kiểm toán là 2021-2023 là giai đoạn chuyển giao giữa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ 01/01/2022), dẫn tới việc gặp khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý đánh giá nội dung kiểm toán, đại diện Vụ Tổng hợp thông tin.
Các vấn đề liên quan tới môi trường và biến đổi khí hậu mang tính chất phức tạp, liên ngành, liên lĩnh vực và ảnh hưởng đến nhiều đối tượng dễ bị tổn thương, đòi hỏi kiểm toán viên không chỉ cần có kỹ năng kiểm toán mà cần xây dựng và củng cố hệ thống kiến thức liên quan tới nhiều lĩnh vực. Do đó, KTNN cần tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu của từng cuộc kiểm toán.
Đồng thời, chú trọng nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán thông qua việc phối hợp, trao đổi ý kiến với các đơn vị tham mưu từ khâu lập kế hoạch, thực hiện đến lập và phát hành báo cáo kiểm toán, đảm bảo các cuộc kiểm toán tuân thủ đúng các chuẩn mực, quy trình, hướng dẫn của KTNN và áp dụng linh hoạt chuẩn mực, hướng dẫn, thông lệ quốc tế vào quy trình kiểm toán.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Thanh Hà
Để nâng cao chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, các đại biểu đã thống nhất một số giải pháp: Phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành trong quá trình xây dựng Đề cương kiểm toán đảm bảo bao quát đầy đủ nội dung, thuận lợi trong tổ chức và thực hiện hoạt động kiểm toán. Tổ chức tập huấn kịp thời Đề cương kiểm toán, các văn bản pháp luật có liên quan cho đội ngũ kiểm toán viên trực tiếp tham gia hoạt động kiểm toán.
Về nhân sự, các Đoàn kiểm toán cần bố trí nhân sự có kinh nghiệm, có chuyên môn sâu về lĩnh vực môi trường thực hiện từ khâu khảo sát thu thập thông tin đến việc khâu lập kế hoạch kiểm toán tổng quát; thu thập các thông tin về các đơn vị dự kiến kiểm toán nhằm đảm bảo thông tin được đầy đủ, chính xác, các nội dung kiểm toán sát với thực tế từng đơn vị. Đẩy mạnh việc kết hợp và tham khảo ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý và nghiên cứu về lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu để đưa ra phương hướng, phương pháp kiểm toán phù hợp.
Các Đoàn kiểm toán tổ chức thu thập các bằng chứng kiểm toán một cách đầy đủ, thích hợp cho các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Các đánh giá, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán cần dẫn chiếu đầy đủ, rõ điều khoản văn bản quy phạm pháp luật; số liệu kiến nghị phải có bằng chứng.
Xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu về các đơn vị được kiểm toán; ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ công tác khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng quát để đảm bảo tính chính xác của thông tin thu thập, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán./.