Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở tất cả các ngành, lĩnh vực

(BKTO) - Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 07) là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay Chương trình đã đi vào cuộc sống và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

screenshot-2024-09-03-170347.png
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt kế hoạch đề ra

Để triển khai thực hiện Chương trình 07, năm 2024, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành các kế hoạch triển khai riêng, hoặc tích hợp trong kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm của đơn vị. UBND các quận, huyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch, Chương trình hoạt động như: sáng kiến kinh nghiệm, duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, xây dựng và phát triển nhãn hiệu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin (CNTT), cải cách hành chính…

Đến nay, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đã đạt và vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đặt mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025 đóng góp trên 50% vào tăng trưởng GRDP. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, dự báo mức đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng GRDP của Hà Nội năm 2023 là 62,86%.

Chỉ tiêu đốc độ tăng năng suất lao động mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đạt từ 7 - 7,5%. Bình quân 3 năm 2021-2023, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,8%, cao hơn bình quân của cả nước (4,3%).

Đối với mục tiêu đến cuối giai đoạn 2021-2025 tối thiểu 40% sản phẩm gắn với Chương trình OCOP, đến nay, có 198/307 sản phẩm OCOP của cộng đồng (đối tượng được hỗ trợ bảo hộ theo quy định) được công nhận trong giai đoạn 2021-2023 được hỗ trợ bảo hộ, đạt 64,5%...

Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã được ứng dụng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Điển hình trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.

Nhiều doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra nhiều nông sản hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô và xuất khẩu. Công nghệ cao đang được chú trọng quan tâm và dần trở thành xu thế và tính tất yếu trong sản xuất nông nghiệp 4.0.

Các quận, huyện, thị xã đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp chính quyền, đổi mới trong nghiên cứu, chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính trong đó tập trung nổi bật là công tác chuyển đổi số. 100% văn bản được xử lý trên hệ thống Quản lý văn bản của Thành phố; duy trì, khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng nội bộ, ứng dụng chuyên ngành dùng chung...

Phát huy hiệu quả phong trào sáng kiến Thủ đô

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng Chương trình 07 là chương trình mới, lần đầu được Thành ủy triển khai có nhiều nội dung mang tính chất bao quát, bao trùm các ngành, lĩnh vực, nên quá trình tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị còn chưa thực sự chủ động, quyết liệt, chưa nghiên cứu các nội dung của Chương trình để đề xuất các nhiệm vụ triển khai.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả và hoàn thành mục tiêu chương trình, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng, cấp uỷ Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới.

Theo đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung Chương trình số 07-CTr/TU, nhất là đối với việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đơn vị được giao chủ trì các chỉ tiêu tại chương trình chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát lại các mục tiêu, nhóm chỉ tiêu, tính toán, đánh giá và đề ra giải pháp hoàn thành chỉ tiêu.

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở tất cả các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; sớm thành lập và đưa vào vận hành “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ Thành phố.

Thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả; hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, quan tâm triển khai có hiệu quả các nội dung trong Biên bản hợp tác giữa Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Cán sự đảng UBND Thành phố; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy yêu cầu phát huy hiệu quả phong trào sáng kiến Thủ đô, là đầu vào quan trọng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương; tích cực chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đối với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của chương trình thông qua các báo cáo định kỳ; tổ chức làm việc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chương trình tại một số quận, huyện, thị xã, đơn vị.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, nhất là trong ngành y tế, giáo dục, văn hóa (quan tâm đến quy chuẩn trong số hóa di tích), nông nghiệp (xây dựng dữ liệu về thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu, lượng mưa, cây, con, dịch bệnh…).

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phối hợp với Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội làm việc với các trường về định hướng phát triển Khu công nghệ cao; khẩn trương xây dựng Đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 3785-CV/VPTU ngày 22/7/2024 của Văn phòng Thành ủy.

Để chuẩn bị cho công tác tổng kết Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy (dự kiến vào tháng 2/2025), Phó Bí thư Thành ủy giao cơ quan thường trực xây dựng mẫu báo cáo gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã để báo cáo, lưu ý tập trung vào các số liệu cụ thể. Các đồng chí thành viên đề xuất lựa chọn một số mô hình, kết quả tiêu biểu để tổng kết gắn với các hình thức tôn vinh, khen thưởng, động viên./.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ ở tất cả các ngành, lĩnh vực