Nhìn lại công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ trọng tâm là ngoại giao y tế, ngoại giao vắc-xin trong 2 năm 2020-2021, đến năm 2022, kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.
Theo đó, công tác ngoại giao kinh tế đã được đẩy mạnh, trở thành nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của toàn ngành ngoại giao cũng như của tất cả 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp vào thành tích tăng trưởng GDP hơn 8% năm 2022.
Cụ thể, ngành ngoại giao tiếp tục đóng góp làm sâu sắc quan hệ với các nước, đặc biệt là quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư. Hợp tác kinh tế trở thành nội dung trung tâm trong tất cả các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp. Theo đó, trong năm 2022, trong tất cả 62 hoạt động đối ngoại cấp cao, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đều chỉ đạo và trực tiếp thúc đẩy hết sức mình các nội dung kinh tế. Nhờ đó, các hoạt động đối ngoại cấp cao đều đạt những kết quả, thỏa thuận quan trọng, thiết thực về kinh tế với khoảng 150 văn kiện, thoả thuận hợp tác kinh tế được ký kết.
Song song với đó, ngành ngoại giao cũng tiếp tục đóng góp đẩy mạnh hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế. Theo đó, Việt Nam đã kịp thời, nhanh nhạy tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nhất là các nguồn tài chính xanh, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng và các ngành công nghệ cao…
Trong đó điển hình là Nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới (G7), châu Âu và Việt Nam đã có tuyên bố chính trị về quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP), huy động nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã khởi công nhà máy trung hòa carbon đầu tiên tại Việt Nam có vốn đầu tư 1,3 tỷ USD; Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội trị giá 220 triệu USD...
Ngành ngoại giao cũng hỗ trợ, thúc đẩy triển khai hiệu quả 15 hiệp định thương mại tự do đã ký kết; tham mưu, kiến nghị để Việt Nam kịp thời tham gia các sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực cho phát triển.
Bên cạnh đó, bước đầu triển khai hiệu quả chủ trương lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực đồng hành, kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản, thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức khoảng hơn 50 đoàn làm việc với hơn 25 địa phương, tổ chức 70 hoạt động kết nối các đối tác cho địa phương, hỗ trợ ký kết hơn 40 văn bản hợp tác quốc tế; được các địa phương đánh giá cao.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục chủ động, nhạy bén trong công tác nghiên cứu, tham mưu phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, trên cơ sở bám sát nhu cầu trong nước và các trọng tâm của Chính phủ. Bộ đã có nhiều báo cáo có chất lượng về tình hình kinh tế thế giới và các vấn đề đang nổi lên tác động sâu sắc đến phát triển kinh tế đất nước, từ đó tham mưu, kiến nghị chính sách phù hợp của Việt Nam…
Bước sang năm 2023, chia sẻ về phương hướng và biện pháp triển khai công tác ngoại giao kinh tế để đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu kinh tế mà Chính phủ đặt ra, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, ngành ngoại giao sẽ triển khai một số trọng tâm ngoại giao kinh tế.
Trước hết là, tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc và gia tăng đan xen lợi ích của Việt Nam với các đối tác. Song song với đó là đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, trong đó ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả, thực chất. Đồng thời, thúc đẩy đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư chất lượng cao và các nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cũng sẽ thúc đẩy tháo gỡ những điểm nghẽn trong quan hệ kinh tế của Việt Nam với các đối tác chủ chốt; đồng thời tận dụng hiệu quả mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do đang thực thi; tham gia chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế trên cơ sở phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, khả năng và điều kiện cụ thể của đất nước.
Ngành ngoại giao cũng sẽ chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo chiến lược, cảnh báo phục vụ điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Đồng thời, bám sát tình hình, biến động của kinh tế thế giới, các điều chỉnh chiến lược, chính sách và sáng kiến của các quốc gia để kiến nghị các đối sách, biện pháp ứng xử phù hợp.
Ngoài ra, Ngành cũng sẽ đổi mới phương thức, tăng cường năng lực triển khai và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác ngoại giao kinh tế. Cùng với đó là tăng cường phối hợp liên ngành, kiến nghị Chính phủ xem xét thành lập các tổ công tác về những vấn đề cụ thể, cấp bách khi cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Với phương châm triển khai “quyết liệt, mạnh dạn, đột phá, thực chất, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước”, tôi tin tưởng công tác ngoại giao kinh tế sẽ tiếp tục đóng góp thiết thực và hiệu quả hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong năm 2023, tạo nền tảng vững chắc hướng tới các mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước đến năm 2030” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh./.