Đẩy mạnh phát hành trái phiếu - lợi ích và rủi ro đối với ngân hàng

(BKTO) - Trong quý II và đầu quý III/2020, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn về nguồn vốn cho ngân hàng trong trung, dài hạn, tuy nhiên, nếu sử dụng nguồn vốn này không đúng mục đích thì các nhà băng có thể sẽ gặp những rủi ro.




Phát hành trái phiếu là biện pháp đảm bảo an toàn về nguồn vốn cho ngân hàng. Ảnh minh họa

Phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu

Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, quý I/2020, các ngân hàng phát hành gần 983,5 tỷ đồng trái phiếu, chiếm chưa đến 3% tổng giá trị trái phiếu DN đã phát hành, sụt giảm mạnh so với năm 2019 (tỷ trọng phát hành chiếm gần 39%). Tuy nhiên, sang quý II, chỉ tính riêng tháng 4 và tháng 5, các ngân hàng đã phát hành 26.000 tỷ đồng trái phiếu DN, chiếm tỷ trọng 45,3% trong tổng giá trị phát hành trái phiếu DN toàn thị trường.

Diễn biến thị trường quý II và đầu quý III/2020 cho thấy nhiều ngân hàng đã phát hành trái phiếu DN với trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, từ tháng 4 đến nay, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phát hành thành công hàng chục đợt trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị đạt hơn 12.000 tỷ đồng. Đây đều là trái phiếu trung, dài hạn và thỏa mãn điều kiện tính vào vốn cấp 2 của BIDV.

Bên cạnh BIDV, trong tháng 4 và tháng 5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng huy động thành công 6.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Trong tháng 6, Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. HCM (HDBank) cũng phát hành riêng lẻ thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Trước đó, vào tháng 5, HDBank đã phát hành thành công 2.300 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn tương tự.

Cuối tháng 6 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) cũng thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi để tăng vốn cấp 2. Trái phiếu có kỳ hạn 6 năm, dự kiến phát hành trong giai đoạn 2020-2021.

Gần đây nhất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã hoàn tất đợt phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, kỳ hạn 8 năm, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo quy định pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, VietinBank dự kiến sẽ còn 2 đợt phát hành trái phiếu với trị giá lên tới 10.000 tỷ đồng, trong đó, đợt 1 là 7.000 tỷ đồng và số còn lại là đợt 2. Trái phiếu phát hành theo 2 kỳ hạn 8 năm và 10 năm, mức lãi suất được thả nổi với biên độ cao hơn từ 0,9 - 1% so với bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng trả sau của 4 ngân hàng thương mại nhà nước.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã lần lượt phát hành trái phiếu với trị giá hàng nghìn tỷ đồng như: Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Tiên Phong, Ngân hàng TMCP Sài Gòn.

Lợi ích song hành với rủi ro

Trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, tốc độ tăng trưởng huy động vốn vượt xa so với mức tăng của tín dụng, vì sao các ngân hàng vẫn đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn?

Lý giải vấn đề trên, ông Quan Trọng Thanh - Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng - cho rằng, việc tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu của các ngân hàng là nhằm đáp ứng các quy định về an toàn vốn và tiêu chí vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Mặt khác, năm nay, việc phát hành vốn cấp 1 (vốn chủ sở hữu) thông qua cổ phiếu khó khăn hơn nên các nhà băng phát hành vốn trái phiếu cấp 2.

Còn theo Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico, thời gian tới, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế có thể khiến nợ xấu tăng cao, gây khó khăn về thanh khoản cho ngân hàng. Việc phát hành trái phiếu với kỳ hạn hợp lý sẽ tạo điều kiện để ngân hàng chủ động hơn về nguồn vốn và chu kỳ huy động vốn, từ đó hỗ trợ DN tốt hơn.

Từ góc độ quản trị, lãnh đạo các ngân hàng VietinBank và NCB chia sẻ, việc phát hành trái phiếu là biện pháp cần thiết nhằm tăng cường nguồn vốn dài hạn và phục vụ nhu cầu hoạt động kinh doanh của nhà băng. Đồng thời, giải pháp này cũng giúp ngân hàng gia tăng vốn cấp 2, nâng cao năng lực vốn tự có, đảm bảo tuân thủ các tiêu chí về an toàn hoạt động theo quy định tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cũng như các yêu cầu của Basel II. Chính vì vậy, dù tín dụng tăng trưởng yếu nhưng ngân hàng vẫn đẩy mạnh phát hành trái phiếu.

Phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp nhà băng giải quyết một số vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, trong tương lai, ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, trong đó có rủi ro về lãi suất, bởi việc huy động vốn trung và dài hạn thường có lãi suất cao. Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS TP. HCM - nhận định, lãi suất huy động trái phiếu từ 5 - 7% vẫn còn có tính khả thi. Nhưng nếu mức lãi suất này là từ 10 - 15% thì vấn đề đặt ra là ngân hàng kinh doanh như thế nào trên dòng vốn đó để có được mức lợi nhuận thu về tối thiểu từ 15 - 20%. Do đó, việc đưa ra các mức lãi suất trái phiếu cao cần phải được cân nhắc kỹ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia còn nhấn mạnh đến mục đích sử dụng nguồn vốn huy động trái phiếu. Theo ông Quan Trọng Thanh, ngân hàng sử dụng nguồn vốn đó có đúng mục đích hay không là điều cơ quan quản lý cần lưu ý, đặc biệt là huy động vốn trái phiếu để đầu tư vào những dự án tiềm ẩn rủi ro như các dự án xây dựng hoặc các ngân hàng mua chéo trái phiếu của nhau nhằm đảm bảo tiêu chí về an toàn vốn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cảnh báo, khi thời điểm trái phiếu đáo hạn, ngân hàng phải trả một lượng tiền lớn cho khách hàng và chắc chắn sẽ phải dùng đến nguồn lợi nhuận. Điều đó sẽ gây áp lực lớn đến mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
  • TP. HCM: Xử lý trên 1.800 tỷ đồng thuế qua thanh, kiểm tra
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục Thuế TP. HCM đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế đối với 9.558 hồ sơ thuế của doanh nghiệp, với số thuế truy thu, phạt, truy hoàn là 1.836 tỷ đồng.
  • Báo chí và doanh nghiệp đồng hành vượt qua khủng hoảng do Covid-19
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp và báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ “khủng hoảng Covid-19” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì, tổ chức ngày 14/7, các đại biểu đều khẳng định giữa báo chí cách mạng Việt Nam và cộng đồng DN luôn có sự đồng hành chia sẻ để phát triển, đồng cam cộng khổ để cùng vượt qua khó khăn.
  • Gỡ vướng trong thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Sau 3 năm thực hiện, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã đạt được những kết quả nhất định. Đây được coi là biện pháp quan trọng khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo công bằng và tăng thu NSNN. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai quy định về vấn đề này cũng bộc lộ nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
  • Sóng ngầm M&A trên thị trường bất động sản
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Cùng với các đòi hỏi về tiềm lực tài chính, nhiều nhà đầu tư đã chọn con đường ngắn nhất để có thể tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua con đường M&A (mua bán sáp nhập)
  • Tiền gửi tiết kiệm chảy sang trái phiếu doanh nghiệp
    4 năm trước Đầu tư
    (BKTO)- Hiện nay, trái phiếu doanh nghiệp có lợi tức đang thu hút khá nhiều lượng tiền từ các kênh đầu tư trong đó có tiền gửi từ ngân hàng khiến nhiều người lo ngại.
Đẩy mạnh phát hành trái phiếu - lợi ích và rủi ro đối với ngân hàng