Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư

(BKTO) - Năm 2024, Vĩnh Phúc dự kiến có thêm 3 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, tạo cơ hội tốt để tỉnh thu hút các dự án sản xuất công nghiệp.

1(1).jpg
UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị "Xúc tiến thu hút các Nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023". Ảnh: TTXVN

Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 78 dự án FDI (28 dự án cấp mới, 50 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đầu tư hơn 604 triệu USD, tăng 21% so với năm 2022, vượt hơn 40% kế hoạch đề ra; thu hút đầu tư trong nước (DDI) 35 dự án (16 dự án cấp mới, 19 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 21,7 nghìn tỷ đồng, tăng 75,58%.

Lũy kế đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 1.292 dự án, trong đó có 460 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD và 832 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 140,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn DDI đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.

Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 3,89% so với tháng 11 và tăng 3,16% so với cùng kỳ. Từ đây, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 của tỉnh đạt hơn 31,24 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022 - là 1 trong 10 tỉnh có tăng trưởng xuất nhập khẩu cao nhất cả nước.

Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 16,82 tỷ USD, tăng 6,45% so với năm 2022; nhập khẩu hàng hóa ước đạt xấp xỉ 14,4 tỷ USD tăng 0,06% so với cùng kỳ năm 2022, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, góp phần đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 130,5 triệu đồng/người/năm, tăng 2,63 triệu đồng/người và tăng 2,05% so với năm 2022.

Năm 2024, dự kiến tỉnh có thêm 3 KCN đi vào hoạt động gồm: KCN Tam Dương I - khu vực 2 quy mô 156,76 ha, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (khu vực II - giai đoạn 1) quy mô 145,27ha, KCN Sông Lô II quy mô 165,65h… Đây là cơ hội tốt để tỉnh thu hút các nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp.

Cùng đó, tỉnh tiếp tục xây dựng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo từng năm và giai đoạn. Đồng thời, rà soát điều chỉnh, bổ sung các KCN, cụm công nghiệp; hình thành một số khu, cụm công nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình KCN ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch và hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với quy hoạch phát triển tổng thể của tỉnh, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, Vĩnh Phúc có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục quy hoạch với tổng diện tích hơn 5.487ha, trong đó 16 KCN đã có quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch là gần 3.157ha; 8 KCN đã đi vào hoạt động là điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án.

Ngoài ra, tỉnh có 18 cụm công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 376,3 ha, trong đó 13 cụm đã giao chủ đầu tư, 11 cụm đi vào hoạt động với diện tích là 322,53 ha, thu hút 555 dự án, giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút đầu tư