Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.



                
   

Ảnh minh họa

   

Chỉ thị nêu rõ, trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước quan tâm; có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.

Cụ thể, hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường; xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của DN; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cùng với xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, GDNN Việt Nam tiếp cận trình độ nhóm 4 nước mạnh nhất ASEAN về GDNN (ASEAN-4), đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác dự báo nhu cầu xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới và cập nhật dữ liệu theo định kỳ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động, bao gồm cả lao động đã đi làm việc ở nước ngoài trở về nước để phát huy các thế mạnh của họ trong lao động, sản xuất và nâng cao thu nhập gắn với việc làm bền vững.

Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về phát triển GDNN, vị trí, vai trò của nhân lực có kỹ năng nghề, nhằm huy động sự tham gia và nguồn lực của toàn xã hội, nhất là sự đồng hành của DN trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển đất nước; chỉ đạo rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; nhanh chóng ổn định tổ chức, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, bảo đảm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN sau khi được tổ chức, sắp xếp lại; thúc đẩy phát triển cơ sở GDNN có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

Nhấn mạnh tăng cường gắn kết chặt chẽ “3 nhà" (nhà nước - nhà trường - nhà DN) trong hoạt động GDNN, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khuyến khích các DN công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng và năng lực hành nghề. Đồng thời, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, song phương trong GDNN; tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài mở cơ sở GDNN chất lượng cao tại Việt Nam…

Trong Chỉ thị, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trong đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống quản lý và đánh giá kỹ năng nghề; đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; tiếp tục triển khai các chương trình chuyển giao từ nước ngoài có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống GDNN…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nâng cao năng lực dự báo, thống kê về lao động có kỹ năng, nhất là những kỹ năng trong tương lai, những ngành, nghề mới; chú trọng nội dung phát triển GDNN, phát triển kỹ năng nghề trong kế hoạch, chương trình, dự án phát triển các ngành, vùng, địa phương và cả nước.

Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình, dự án trong lĩnh vực GDNN theo quy định về phân cấp ngân sách, trình cấp có thẩm quyền quyết định; trình Chính phủ việc áp dụng tỷ lệ vay lại phù hợp đối với nguồn vốn vay nước ngoài cho phát triển GDNN, nhất là cho đào tạo lao động có kỹ năng nghề.

Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu cần chú trọng nâng cao năng lực của các cơ sở GDNN, đào tạo chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trình độ GDNN phù hợp với điều kiện của địa phương và các quy định của pháp luật để góp phần thực hiện tốt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”…

Với các DN, Thủ tướng khuyến khích thành lập cơ sở GDNN hoặc mở lớp đào tạo nghề tại nơi làm việc để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động. Đồng thời, khuyến khích DN chỉ sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề nghiệp hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở một số ngành nghề.

Thủ tướng đề nghị, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể để triển khai Chỉ thị này; định kỳ hàng năm báo cáo Bộ LĐ-TB&XH để tổng hợp và theo dõi, đôn đốc, định kỳ báo cáo Thủ tướng việc thực hiện Chỉ thị.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
  • Tiếp sức để du lịch vượt qua đại dịch
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chiều 3/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các DN du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19.
  • Lựa chọn phương án đầu tư cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp thu ý kiến của các Bộ để tính toán cụ thể các phương án đầu tư đoạn tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị.
  • TP. HCM: Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 40 nghìn tỷ đồng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Cục Hải quan TP. HCM, tổng thu NSNN do đơn vị thực hiện 5 tháng đầu năm ước được 40 nghìn tỷ đồng, đạt 34,9% dự toán pháp lệnh, 33,2% chỉ tiêu phấn đấu và giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2019 (thu được 49.085,5 tỷ đồng).
  • Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, điều kiện kinh doanh
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
  • Tổng thu ngân sách 5 tháng ước đạt 577 nghìn tỷ đồng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo Bộ Tài chính, mặc dù sang tháng 5, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần khôi phục nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kết hợp chính sách gia hạn một số khoản thuế, tiền thuê đất, nên số thu NSNN tháng 5 đạt thấp.
Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trong tình hình mới