Đẩy mạnh số hóa, giảm phiền hà về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

(BKTO) - Thừa nhận có tình trạng người bệnh bỏ bảo hiểm y tế (BHYT), bỏ điều trị vì khó khăn xin giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã và đang có nhiều giải pháp nhằm giải quyết những khó khăn, phiền hà cho người bệnh...

kham-nhi.jpg
Bộ Y tế sẽ ứng dụng giải pháp số hóa nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh trong tái khám, chuyển tuyến KCB BHYT. Ảnh: THANH XUÂN

Bỏ tái khám vì… thủ tục phiền hà

Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính đi khám ở bệnh viện tuyến cuối, sau đó phải tái khám nhiều lần trong năm. Tuy nhiên, mỗi lần tái khám người bệnh phải có giấy chuyển tuyến/chuyển viện mới được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT).

Vì thủ tục này, không ít bệnh nhân không đủ kiên nhẫn xin giấy chuyển tuyến nên tự bỏ tiền đi khám dịch vụ, không được thanh toán BHYT. Thậm chí, do thủ tục phiền hà nên nhiều người bệnh đã bỏ tái khám, làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) phản ánh, cử tri đã có ý kiến rất nhiều về việc khi đi khám, chữa bệnh (KCB), bệnh nhân phải đi xin giấy chuyển viện là rất phiền toái, mất thời gian và mệt mỏi. Đại biểu kiến nghị cần bỏ giấy chuyển viện.

Nhìn nhận vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám, chữa bệnh và công tác KCB.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập. Quy định đăng ký KCB ban đầu chưa tạo thuận lợi cho người bệnh đi KCB tại cơ sở y tế khác ở tuyến tương đương hoặc thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.

Nhiều người bệnh nặng muốn lên tuyến trên điều trị nhưng gặp khó khăn trong việc xin giấy chuyển tuyến, thậm chí phải “chung chi”; tuyến dưới giữ bệnh nhân, trong khi đối với một số bệnh thì tuyến dưới điều trị hiệu quả không cao, điều này buộc không ít người bệnh phải xin ra viện và tự vượt tuyến.

Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT đều cho rằng, trong điều kiện hiện nay, không thể bỏ quy định về chuyển tuyến vì sẽ gây quá tải, áp lực dồn lên tuyến trung ương và gây xáo trộn cả hệ thống KCB, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, mất cân đối Quỹ BHYT.

Bộ Y tế phân hệ thống cơ sở KCB thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật nhằm xác định quy mô, phạm vi hoạt động chuyên môn, năng lực thực hiện kỹ thuật của cơ sở khám, chữa bệnh. Điều này giúp phân luồng bệnh nhân phù hợp với khả năng điều trị của từng cơ sở, tránh quá tải cho tuyến trên - đại diện Bộ Y tế nêu rõ.

Đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh số hóa

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, để giải quyết những khó khăn liên quan đến giấy hẹn khám lại, đặt lịch khám lại, nhằm giảm phiền hà cho người bệnh, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp.

Trong đó, Bộ đã có Chỉ thị 25 ban hành năm 2020, yêu cầu các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám. Đồng thời, Bộ cũng có các bộ phận thường xuyên đôn đốc các cơ sở KCB phân luồng hẹn tái khám để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ, chờ đợi kéo dài.

Theo bà Trang, một trong những giải pháp quan trọng mà Bộ Y tế đang nghiên cứu là đơn giản hóa trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến. Ngay tại Nghị định 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT do Chính phủ ban hành vừa có hiệu lực từ ngày 03/12 cũng có quy định liên quan giấy hẹn tái khám, trong đó đã có những giải pháp để giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh.

Cụ thể, theo quy định cũ, bệnh nhân được hẹn khám lại vào một thời điểm nhất định hoặc đến bất kỳ thời gian nào trước ngày hẹn khám lại nếu có dấu hiệu (triệu chứng) bất thường.

Giấy hẹn chỉ có giá trị sử dụng 01 lần trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày được hẹn khám lại. Nếu quá 10 ngày mà người bệnh không đi khám lại, giấy hẹn sẽ hết hiệu lực. Khi đó, người bệnh nếu muốn hưởng BHYT đúng tuyến phải xin giấy chuyển tuyến đúng quy định.

Còn theo quy định mới, nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng thời gian 10 ngày theo giấy hẹn khám lại, thì có thể liên hệ trước với cơ sở y tế để đề nghị một lịch hẹn khác. Như vậy, bệnh nhân không phải xin giấy lại giấy hẹn và không phải chờ đợi"- bà Trang thông tin.

Đặc biệt, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại theo hình thức điện tử.

Theo đó, giấy chuyển tuyến điện tử có thể tích hợp vào ứng dụng thẻ BHYT, mã thẻ BHYT của người bệnh hoặc mã định danh công dân hoặc thông qua hệ thống VssID của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Khi đến cơ sở yêu cầu giấy hẹn tái khám, bệnh nhân có thể mang thẻ BHYT điện tử hoặc mã định danh công dân trình cơ sở tiếp nhận để được KCB, hưởng BHYT theo quy định; hoặc thông qua hệ thống VssID, các cơ sở KCB có thể tự tra cứu.

Hiện Bộ Y tế đang xin ý kiến các cơ sở KCB, cơ quan Bảo hiểm xã hội và sẽ áp dụng thử 6 tháng. Sau đó, Bộ sẽ có hiệu chỉnh và ban hành áp dụng chính thức.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu cách làm giấy hẹn tái khám theo hướng đơn giản hơn. Theo đó, thay vì bắt buộc phải là lãnh đạo cơ sở y tế ký giấy này như hiện nay thì có thể phân cấp cho các trưởng khoa, phòng trong cơ sở KCB để nhiều người có thể ký giấy này, giúp bệnh nhân không phải chờ đợi.

Cùng chuyên mục
  • Triển vọng ngành du lịch
    11 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2024, ngành du lịch Việt Nam có thể đón 14-15 triệu lượt khách nếu không có những diễn biến bất ngờ phát sinh. Thực hiện khảo sát các doanh nghiệp (DN) ngành du lịch - khách sạn do Vietnam Report vừa tiến hành cũng cho kết quả tương đồng với 66,7% DN cho rằng triển vọng ngành du lịch sẽ khả quan hơn.
  • Quản trị đơn vị sự nghiệp công theo mô hình doanh nghiệp: Phù hợp, nhưng cần thận trọng
    11 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp vào đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) là cần thiết, song cũng cần phải thận trọng, xem xét áp dụng phù hợp.
  • Đẩy mạnh cải cách thủ tục, xóa bỏ rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh
    11 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Đây là đề nghị của Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ Công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ tại "Hội nghị triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính trọng tâm", vừa diễn ra tại Hà Nội.
  • Kế hoạch thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng
    11 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 218/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
  • PC Quảng Ninh: Thắp sáng niềm tin
    11 tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Với thông điệp “Đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả”, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã và đang triển khai nhiều hoạt động tri ân khách hàng, hướng tới cộng đồng nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.
Đẩy mạnh số hóa, giảm phiền hà về thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế