
Hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, tiến tới không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như: Nghị Quyết số 207 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 18 của UBND tỉnh quy định về quản lý, tổ chức thực hiện một số chính sách hỗ trợ và cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ không có khả năng thoát nghèo trên địa bàn tỉnh; chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, tổ chức ký cam kết chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố; thực hiện hiệu quả các cơ chế hỗ trợ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên nguồn vốn hỗ trợ cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.
Đặc biệt, đối với các hộ nghèo có khả năng thoát nghèo, Vĩnh Phúc đã ban hành các chính sách phù hợp thông qua phát triển giáo dục nghề nghiệp; trong đó, tăng cường chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, nhất là phụ nữ, người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ở khu vực nông thôn.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh còn 0,61%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khu vực thành thị giảm còn 0,49%, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,66%. 9/9 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó, 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% là thành phố Vĩnh Yên, thành phố Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và huyện Tam Dương. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao.
Quý I/2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục được đẩy mạnh việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, tỉnh đã cấp 10.546 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng nghèo, cận nghèo. Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường huy động nguồn lực xã hội, triển khai các chương trình như “Xóa nhà tạm, nhà dột nát”, xây dựng nhà đại đoàn kết, góp phần giúp người nghèo từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Hoạt động cho vay chính sách được duy trì hiệu quả. Tính đến đầu tháng 3/2025, có 110.753 khách hàng đang tiếp cận nguồn vốn với tổng dư nợ trên 5.066 tỷ đồng. Trong đó, hộ nghèo là 2.390 hộ (dư nợ 173,5 tỷ đồng), hộ cận nghèo là 4.844 hộ (dư nợ 357,7 tỷ đồng). Tỉnh đã chi hỗ trợ 42,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo từ ngân sách và các nguồn vận động tài trợ.
Về cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, trong quý I đã cấp 362.966 thẻ, giảm nhẹ 0,75% so với quý IV/2024. Trong đó, nhóm do tổ chức Bảo hiểm xã hội đóng là 47.948 thẻ, nhóm do ngân sách nhà nước đóng là 315.018 thẻ.
Tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi
Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, tiến tới không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống của người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận ngày càng thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Theo đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để cho hộ nghèo, cận nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi.
Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022-2025, gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo, dạy nghề phù hợp với cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề của địa phương, ưu tiên dạy các nghề có thể tự tạo việc làm tại chỗ, những nghề có nhu cầu cao, có khả năng tìm được việc làm trên thị trường và tham gia xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo dân tộc thiểu số… chuyển đổi cơ cấu cây trồng; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản; hỗ trợ phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm; hỗ trợ chi phí giống, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo ở các xã khu vực nông thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ giống để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ lãi suất, vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, dịch vụ thú y, phòng dịch để tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương…
Các cấp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo. Tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc./.