Đẩy mạnh tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo

(BKTO) - Chiều 23/11, Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương.

chieu-2311.jpg
Quang cảnh Hội thảo chiều 23/11. Ảnh: Thùy Anh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, ngày 28/7/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Để đồng bộ cũng như kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững và hạn chế tái nghèo.

Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, các xã ngang ven biển, hải đảo thoát khỏi tình trạng đói nghèo, khó khăn.

Triển khai các văn bản của Quốc hội và Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch Tập huấn nâng cao nâng kỹ năng tuyên truyền về chính sách pháp luật cho công chức, viên chức các Sở Thông tin và Truyền thông, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài trung ương và địa phương về triển khai Đề án 06 là 1 tiểu dự án trong Dự án giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025.

Để triển khai Tiểu dự án, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có nhiều chương trình phối hợp với Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, một số cơ quan báo, đài trung ương và địa phương truyền thông cho Đề án.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Dự án giảm nghèo về thông tin nhằm thúc đẩy việc đưa thông tin đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, giảm khoảng cách tiếp cận về thông tin.

Tại Hội nghị, ông Phạm Trí Trung - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc - đã giới thiệu Chuyên đề “Đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc trong tình hình mới”.

Ông Phạm Trí Trung cho biết, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khẳng định: “Kiên trì thực hiện các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc trong Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX và các nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII; xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị”.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Có cơ chế thúc đẩy tính tích cực, ý chí tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Mục tiêu cụ thể, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030 bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.

Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10%.

Đến năm 2025 hoàn thành cơ bản công tác sắp xếp, ổn định dân cư ở nơi cần thiết; đến năm 2030 phấn đấu 70% số xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phấn đấu đến hết năm 2025 có 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống, hoạt động thường xuyên, có chất lượng;

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương.

Cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong Mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững đến năm 2030…

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hòa - Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đã chia sẻ kinh nghiệm viết phóng sự, đặc biệt là phóng sự về đề tài miền núi, về người dân tộc với các phóng viên, biên tập viên.

Theo TS. Nguyễn Quang Hòa, trong các tác phẩm báo chí nói chung và trong phóng sự nói riêng, người viết cần sử dụng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu, không đa nghĩa...

Ông Hòa cũng gợi ý cho các phóng viên, biên tập viên các kỹ năng tổ chức thực hiện các chuyên đề về đồng bào dân tộc miền núi cho phù hợp với từng địa phương, từng cơ quan báo chí./.

Cùng chuyên mục
Đẩy mạnh tuyên truyền về xóa đói giảm nghèo