Đẩy mạnh ứng dụng nhiên liệu LNG để giảm phát thải khí nhà kính

(BKTO) - Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là một loại nhiên liệu sạch, có hiệu quả kinh tế cao, do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng nhiên liệu LNG vào trong các ngành công nghiệp là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính” mới diễn ra, TS. Nguyễn Hữu Lương - Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, LNG là một loại nhiên liệu có nhiều ưu điểm so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

20240130_135225.jpg
Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG nền tảng cho lộ trình giảm phải thải khí nhà kính”, do Báo Xây dựng phối hợp với một số đơn vị tổ chức chiều 30/01, tại Hà Nội. Ảnh: D.THIỆN

Cụ thể, LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải C02 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ, do đó hiện LNG đang là nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống.

Bên cạnh đó, khi cháy LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 độ C) và có khả năng cháy hoàn toàn mà không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, ít phải bảo trì và tăng tuổi thọ.

Ngoài ra, với đặc tính là tồn tại ở dạng lỏng, nên LNG chỉ chiếm khoảng 1/600 thể tích so với khí tự nhiên, thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển, từ đó giúp giảm chi phí…

Hiện nay, LNG được ứng dụng vào trong 5 lĩnh vực chính, bao gồm: dân dụng và thương mại (nhiên liệu để nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình, tòa nhà); giao thông vận tải (thay thế cho dầu diesel, dầu mazut); công nghiệp (sản xuất thép, xi măng, gốm…) và trong các ngành hóa chất/hóa dầu (sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi…)

“Trước yêu cầu ngày càng tăng về phát triển bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang đẩy mạnh chuyển sang sử dụng nhiên liệu LNG để giảm lượng khí thải carbon, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trong quá trình sản xuất, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về “Net Zero” với cộng đồng quốc tế” - TS. Nguyễn Hữu Lương nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về việc phát triển LNG, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho biết, tại Quy hoạch Điện VIII đã đặt ra nhiều mục tiêu về phát triển điện sử dụng LNG.

Cụ thể, Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu, đến năm 2030, chuyển đổi thay thế 18 GW điện than bằng 14 GW điện khí LNG và 12-15 GW nguồn năng lượng tái tạo. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí và khí hóa lỏng đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương đương 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

kh.jpg
Quy hoạch Điện VIII đặt ra nhiều mục tiêu về phát triển điện khí LNG. Ảnh minh họa: S.T

Tuy nhiên, theo ông Thập, việc phát triển điện khí LNG hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như, khuôn khổ pháp lý cho việc phát triển các dự án LNG vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ mua bán LNG quốc tế. Trong khi Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, cũng như chưa có cam kết về bao tiêu sản lượng điện hàng năm, cam kết về hệ thống truyền tải và đấu nối của dự án…

Trước thực tế đó, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện khí LNG trong thời gian tới, theo các chuyên gia, trước hết, cần xây dựng tập trung, đồng bộ các khu công nghiệp, nhà máy có quy mô tiêu thụ điện đủ lớn song song với việc triển khai các dự án kho cảng và nhà máy điện khí LNG. Đây chính là các hộ tiêu thụ và là cơ sở quan trọng cam kết tiêu thụ điện, khi đó các cam kết trong hợp đồng mua bán điện sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế để cho phép các chủ thể nhà máy điện khí LNG được quyền đàm phán bán điện trực tiếp với các hộ tiêu thụ điện. Đồng thời, cho phép các nhà máy điện được quyền mua trực tiếp LNG và thuê kho cảng dự trữ, tái hóa khí; cũng như cho phép các nhà máy điện được đầu tư bổ sung đường dây truyền tải và đấu nối…

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng để học hỏi kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách về điện khí LNG; xây dựng và hoàn thiện mô hình quản trị đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả, tối ưu điện khí LNG…/.

Cùng chuyên mục
  • Mức thu phí sử dụng đường bộ mới từ ngày 01/02
    9 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Từ ngày 01/02/2024, Nghị định số 90/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ có hiệu lực thi hành.
  • Nhiều nhà băng chọn hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế
    9 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2023, câu hỏi “ngân hàng nào lãi suất thấp nhất” được bàn tán sôi nổi hơn bao giờ hết. Trước thực trạng kinh tế khó khăn bao trùm các cá nhân và doanh nghiệp, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đồng loạt hy sinh lợi nhuận bằng các biện pháp giảm lãi suất cho vay và tung ra các gói tín dụng với lãi suất thậm chí chỉ 0%.
  • Phân lân nung chảy Văn Điển: Lợi nhuận đạt hơn 76 tỷ đồng, tăng trên 36%
    9 tháng trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2023, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển đã nỗ lực vượt khó và đạt được những con số ấn tượng: Sản lượng gần 238.000 tấn, lợi nhuận 76 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo tốt đời sống người lao động.
  • Lãi suất liệu có tiếp tục giảm?
    9 tháng trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Câu hỏi mà giới phân tích cũng như các doanh nghiệp quan tâm ở thời điểm này: Lãi suất liệu có tiếp tục đi ngang ở vùng thấp hết năm 2024?
  • Nghệ An: Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm khai thác IUU
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Nghệ An có 1.055/1.103 tàu cá (có chiều dài từ 15m trở lên) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt 95,65%. Số tàu cá chưa thực hiện việc lắp đặt GSHT trên tàu cá (VMS) là 48 chiếc, chiếm 4,35%. Tuy nhiên số lượng tàu cá mất kết nối VMS tương đối lớn, diễn ra thường xuyên.
Đẩy mạnh ứng dụng nhiên liệu LNG để giảm phát thải khí nhà kính