Lãi suất liệu có tiếp tục giảm?

(BKTO) - Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2024, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. Câu hỏi mà giới phân tích cũng như các doanh nghiệp quan tâm ở thời điểm này: Lãi suất liệu có tiếp tục đi ngang ở vùng thấp hết năm 2024?

lai-suat.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lãi suất huy động đồng loạt giảm sâu 

Trong tháng 01/2024, đã có khoảng 32 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ở khối ngân hàng thương mại nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng này đã được điều chỉnh giảm, mức cao nhất chỉ còn 3,2%/năm, thấp nhất chỉ còn 1,9%/năm.

32 ngân hàng giảm lãi suất huy động trong tháng 01/2024 gồm: BaoViet Bank, GPBank, Eximbank, SHB, Bac A Bank, KienLong Bank, LPBank, OCB, VIB, TPBank, ABBank, NCB, Viet A Bank, Vietcombank, PVCombank, SCB, HDBank, VietBank, Techcombank, Agribank, BIDV, VietinBank, VPBank, SeABank, MSB, Nam A Bank, MB, BVBank, Sacombank, OceanBank, PGBank, Saigonbank.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, hàng chục ngân hàng   giảm lãi suất hai lần kể từ đầu tháng 01/2024 đến nay. Một số ngân hàng đã có tới 3 - 4 lần giảm lãi suất như: Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank).

Theo chia sẻ của đại diện ngân hàng, mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh và toàn diện nhất trong 10 năm gần đây, với mức giảm khoảng 4 - 5%/năm tại kỳ hạn trên 6 tháng và khoảng 2 - 3%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng. Chênh lệch giữa lãi suất kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài (12 tháng và 6 tháng) cũng có xu hướng thu hẹp mạnh từ mức 0,6%/năm thời điểm đầu năm 2023 về mức 0,4%/năm hiện tại.

Xu hướng giảm lãi suất huy động trong tháng đầu năm phù hợp với kết quả điều tra kinh doanh quý I/2024 của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo kết quả điều tra, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất huy động - cho vay có thể tiếp tục giảm nhẹ, bình quân kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4%/năm trong quý I/2024 và giảm 0,2%/năm trong cả năm 2024.

PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - nhận định, việc các ngân hàng hạ thấp lãi suất huy động phù hợp với mức độ lạm phát và mất giá của đồng tiền Việt Nam hiện nay. Mức lãi suất huy động hiện nay được xem là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là việc làm cần thiết để vừa đảm bảo lãi suất thực dương trong huy động, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đem lại lợi nhuận cho ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ dịch chuyển theo xu hướng nới lỏng rõ nét hơn thông qua các công cụ lãi suất điều hành, thị trường mở... là một trong những nhân tố chính góp phần cải thiện mức độ dồi dào của thanh khoản. Tương quan giữa huy động vốn và tín dụng có xu hướng mở rộng trở lại sau khi bị co hẹp mạnh mẽ. Tăng trưởng tín dụng khó khăn trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế suy yếu và rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng. Đây là những yếu tố tác động đến việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng.

Giới chuyên gia cũng như các doanh nghiệp kỳ vọng, việc giảm mạnh lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Ngay những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay mua nhà 1 - 2% so với cuối năm ngoái.

Nhiều yếu tố tác động tới lãi suất

Nhận định về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, Công ty Chứng khoán KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp (khoảng 4,85 - 5,35%) trong hầu hết cả năm 2024. Về lãi suất cho vay, KBSV nhận định chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Theo đó, các khoản huy động với chi phí cao của ngân hàng hầu hết sẽ đáo hạn đầu năm 2024, giúp giảm chi phí vốn, từ đó giảm lãi suất cho vay.

Các chuyên gia VNDirect cho rằng, lãi suất huy động của ngành ngân hàng sẽ duy trì ở mức đáy trong suốt năm 2024 do NHNN đặt mục tiêu duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, theo TS. Châu Đình Linh - giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, nhiều yếu tố nội tại tác động, khiến dư địa giảm lãi suất của Việt Nam không còn nhiều. Chỉ số lạm phát được dự báo có thể ở mức cao hơn năm 2023 do tác động từ bên ngoài và cả việc điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ cơ bản trong nước. Bên cạnh đó, nếu lãi suất giảm sâu thì điều này có thể tác động bất lợi đến việc ổn định tỷ giá, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và nền kinh tế.

TS. Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - nhận định: Xu hướng lãi suất của Việt Nam năm 2024 phụ thuộc đáng kể vào động thái điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Lãi suất của Việt Nam có thể tăng nếu Fed không giảm lãi suất song mức tăng thấp vì nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ trong khi lượng vốn tồn đọng vẫn lớn.

Còn nếu Fed giảm lãi suất, kinh tế hồi phục, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát huy hiệu quả, nhu cầu về vốn tăng nhanh, thanh khoản của hệ thống ngân hàng chuyển từ trạng thái thừa sang thiếu và lãi suất có thể bật tăng./.

Cùng chuyên mục
Lãi suất liệu có tiếp tục giảm?