Tỷ lệ giải ngân thấp
Theo ông Chẩu Văn Lâm - Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.
Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76%. Do vậy, Chương trình này có ý nghĩa rất quan trọng, tác động sâu rộng đến hầu hết các xã, thôn, bản và số đông người dân trong tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang được phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư phát triển của Trung ương là 1.819 tỷ đồng. Riêng năm 2022, nguồn vốn được phân bổ gần 512,4 tỷ đồng.
Ngay sau khi Trung ương triển khai Chương trình, năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đây là Chương trình mới, quy mô lớn với nhiều nội dung dự án thành phần, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và tác động sâu rộng trong thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân chủ yếu do nhiều nội dung mới; văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, đồng bộ; bộ máy quản lý, triển khai Chương trình ở cơ sở chưa có kinh nghiệm, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu.
6 tháng đầu năm 2023, Ban Dân tộc - đơn vị chủ trì triển khai Chương trình - đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân (UBND) các huyện tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc.
Ban Dân tộc đã thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi, kịp thời tham mưu ban hành kế hoạch, Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời chủ động ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn, triển khai Chương trình; phân công nhiệm vụ cụ thể giữa các thành viên Ban Chỉ đạo; công tác lập, thẩm định, phân bổ nguồn vốn cơ bản kịp thời, đúng quy định; tuân thủ nghiêm túc tiêu chí, nguyên tắc, định mức phân bổ vốn; tập trung ưu tiên nguồn lực cho các địa bàn khó khăn nhất, vào những nội dung cấp thiết nhất.
Việc tổ chức thực hiện các chương trình, dự án và chính sách dân tộc tại cơ sở về cơ bản đúng đối tượng, đúng địa bàn, đúng nội dung và định mức...
Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn giải ngân chậm, đến ngày 30/6, giải ngân nguồn vốn của năm 2022 và 2023 mới đạt trên 17,7%. Việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án ở cơ sở có nội dung còn lúng túng. Một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự chú trọng, quan tâm, chủ động đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện có lúc, có việc còn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả.
Quyết liệt triển khai Chương trình
Ông Ma Quang Hiếu - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang - cho biết: 6 tháng cuối năm 2023, Ban Dân tộc tiếp tục làm tốt công tác phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện cho cán bộ công chức cơ quan làm công tác dân tộc, đồng bào dân tộc thiểu số các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Tiếp tục chủ động tham mưu với UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chú trọng đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước giao năm 2022, 2023 đối với các nội dung của từng dự án.
Trong đó, tập trung thực hiện giải ngân đối với các dự án, tiểu dự án không còn vướng mắc về cơ chế, đồng thời thực hiện rà soát đối với các nội dung khó có khả năng giải ngân, trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh kịp thời kế hoạch thực hiện và các công tác khác.
“Khó khăn ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó” là phương châm lãnh đạo xuyên suốt của hệ thống chính trị toàn tỉnh nhằm về đích các mục tiêu của Chương trình.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị những khó khăn, vướng mắc với Ủy ban Dân tộc, Bộ, ngành Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo, hoàn thành việc thể chế, xây dựng các Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh và văn bản hướng dẫn về tổ chức triển khai, thực hiện Chương trình, đảm bảo đúng theo quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Theo kế hoạch kiểm toán năm 2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) sẽ kiểm toán Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đây là cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành được kiểm toán tại 12 địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Tuyên Quang.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ kiểm toán tại Tuyên Quang để thực hiện 2 cuộc kiểm toán chuyên đề toàn Ngành: Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; Kiểm toán việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý giai đoạn 2020-2022.
KTNN cũng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang. Trước đó, KTNN đã kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2022 tại Công an tỉnh./.