Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Doanh nghiệp băn khoăn khi phải áp dụng hai hệ thống kế toán

(BKTO) - Theo Đề án Áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trong giai đoạn thí điểm áp dụng IFRS từ năm 2022 đến năm 2025, các DN vẫn phải thực hiện cả 2 hệ thống chuẩn mực IFRS và Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Các chuyên gia đều cho rằng, việc này khiến DN phải tốn kém chi phí.



Áp dụng IFRS ở Việt Nam là một xu hướng tất yếu

Bộ Tài chính cho biết, việc áp dụng IFRS ở Việt Nam là một xu hướng tất yếu do VAS đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tuy nhiên, hiện tại nhu cầu lập báo cáo tài chính (BCTC) theo IFRS mới chỉ phát sinh ở các DN có nhu cầu huy động vốn đầu tư nước ngoài, theo yêu cầu của nhà đầu tư, của cổ đông và nhà tài trợ vốn. Đối với các DN còn lại, việc hiểu biết về IFRS còn tương đối hạn chế.

Cũng theo Bộ Tài chính, các đơn vị được phỏng vấn đều đồng nhất quan điểm, việc lập BCTC theo IFRS sẽ mang lại lợi ích cho DN nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, vấn đề chi phí và nguồn lực mà DN phải phân bổ cho việc triển khai IFRS là tương đối lớn. Về đối tượng áp dụng, hầu hết các đơn vị được phỏng vấn cho rằng, trong giai đoạn thí điểm, DN thuộc đối tượng phải quản lý, có nhu cầu và có khả năng thì phải lập BCTC theo IFRS. Báo cáo này có đầy đủ tính pháp lý và DN sẽ chỉ phải lập một BCTC để giảm thiểu chi phí và nguồn lực.

Theo Đề án, lộ trình áp dụng gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 từ năm 2022-2025, giai đoạn 2 từ năm 2025-2030, giai đoạn 3 từ sau năm 2030.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là xây dựng phương án, lộ trình, cách thức tổ chức thực hiện để áp dụng IFRS phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam; ban hành hệ thống chuẩn mực BCTC của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế; tổ chức hướng dẫn và triển khai thực hiện đến từng nhóm đối tượng cụ thể theo lộ trình phù hợp, nhằm nâng cao tính minh bạch, trung thực của BCTC.

Doanh nghiệp tốn kém chi phí nếu phải áp dụng haihệ thống kế toán

Tại Hội thảo “Thực trạng, kinh nghiệm quốc tế và lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam” do Bộ Tài chính vừa tổ chức, ông Trần Hồng Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH PwC Việt Nam - nêu một số băn khoăn: Theo Đề án, ở giai đoạn 1, các DN được lựa chọn áp dụng IFRS thí điểm chỉ được áp dụng IFRS cho BCTC hợp nhất mà không được áp dụng hệ thống này cho báo cáo riêng. Điều này sẽ khiến cho DN gặp rất nhiều khó khăn về tài chính vì IFRS cũng có những hạn chế. Do đó, cơ quan quản lý nên cho phép DN áp dụng IFRS đối với cả 2 loại báo cáo này ngay từ giai đoạn thí điểm để sớm phát hiện và khắc phục bất cập chứ không nên để đến giai đoạn 3 mới cho phép áp dụng duy nhất hệ thống IFRS. Hơn nữa, khi áp dụng IFRS, các DN lớn đều đã triển khai các phần mềm kế toán, phần mềm quản trị DN, nếu Nhà nước yêu cầu các DN này áp dụng cả VAS thì chi phí để DN duy trì 2 hệ thống này rất lớn. Tại sao cơ quan quản lý không miễn, giảm chi phí tuân thủ cho DN, chẳng hạn như việc yêu cầu DN chỉ áp dụng IFRS.

Bà Nguyễn Thái Thanh - Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam - cũng đồng quan điểm với ông Kiên. Bà Thanh đề nghị, nếu cơ quan quản lý đã cho phép DN sử dụng IFRS là báo cáo chính thức thì cũng nên cho phép sử dụng báo cáo này để nộp các cơ quan quản lý. Nếu áp dụng IFRS chỉ dùng cho mục đích công bố thông tin, còn các nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ báo cáo khác vẫn phải theo hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam thì sẽ tạo thêm áp lực cho đơn vị. Hơn nữa, ngay từ giai đoạn đầu áp dụng IFRS, Nhà nước cũng muốn nhìn thấy tác động đến NSNN, do đó cần sớm thống nhất áp dụng IFRS.

Cùng với đó, bà Thanh cũng đề nghị Ban Soạn thảo làm rõ nội dung vấn đề DN chia lợi nhuận trên báo cáo nào. Nếu lợi nhuận theo VAS, thuế cũng theo VAS, thống kê cũng VAS, vậy báo cáo IFRS sẽ dành cho mục đích gì? Đề án mới quy định nghĩa vụ thuế với Nhà nước vẫn sẽ tính theo chế độ kế toán Việt Nam, vậy khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ căn cứ trên báo cáo IFRS hay báo cáo VAS? Nếu nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy kết quả trên báo cáo IFRS nhưng cái họ được hưởng là tiền tươi, thóc thật lại không phải là con số đó (theo VAS) thì tính hấp dẫn của báo cáo IFRS đối với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giảm đi rất nhiều.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cũng nêu vấn đề tương tự: Theo Đề án, nếu tự nguyện áp dụng IFRS thí điểm vào năm 2022, Tập đoàn này sẽ phải triển khai song song, vừa phải có hệ thống theo VAS, vừa phải có hệ thống theo IFRS khiến cho chi phí để xây dựng hệ thống này rất tốn kém. Nếu Nhà nước cho phép DN áp dụng cả báo cáo riêng và báo cáo hợp nhất theo một hệ chuẩn mực thì sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn.

Giải đáp những băn khoăn này của DN, ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) - cho biết: Trong giai đoạn thí điểm, DN vẫn phải triển khai 2 hệ thống, VAS là hệ thống chính, IFRS là thí điểm. Điều này sẽ gây cho DN nhiều khó khăn về nguồn lực và chi phí, vì vậy, cơ quan quản lý sẽ cố gắng để có thể cho phép những DN đã áp dụng IFRS có thể chỉ phải lập một báo cáo.

Theo PGS,TS. Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam - để thực hiện được Đề án theo lộ trình đã đặt ra, một công việc rất lớn phải triển khai ngay là vấn đề tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo về hệ thống chuẩn mực kế toán. Cụ thể là yêu cầu các trường đại học đưa IFRS thành một học phần hoặc lồng ghép vào các môn kế toán, quản trị. Nếu làm được như vậy thì trong vài năm tới, đội ngũ sinh viên ra trường mới có thể nắm bắt tương đối chắc về chuẩn mực kế toán để tham gia thực hiện và hoạch định chính sách.
         
Bà Takahashi Atsuko - Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản - cho biết: Nhật Bản áp dụng 2 phương thức chính, thứ nhất: công ty con lập BCTC riêng theo chuẩn mực của Nhật Bản, công ty mẹ tập hợp các báo cáo đó rồi chuyển đổi sang IFRS. Phương án này áp dụng cho những DN có hiểu biết hạn chế về IFRS. Phương thức thứ hai: công ty con làm BCTC theo IFRS và công ty mẹ tập hợp, hoàn thiện BCTC hợp nhất theo IFRS.
THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 10 ra ngày 07-3-2019
Cùng chuyên mục
  • Tương lai của ngành ngân hàng xoay quanh việc số hóa
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 6/3, tại Hà Nội, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngân hàng của Tương lai” với sự tham gia của các chuyên gia PwC đang hoạt động tại Mỹ, Canada, Đông Nam Á, Hồng Kông, Nhật Bản cùng lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam.
  • Kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN 2 tháng đầu năm
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Bộ Tài chính vừa thông báo kết quả thực hiện nhiệm vụ NSNN trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019.
  • ADB và WB đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng tại Việt Nam
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Ngày 6/3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, nhằm tăng cường cạnh tranh, hiệu quả và minh bạch trong công tác đấu thầu, ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) quyết định sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS), để triển khai đấu thầu qua mạng cho các gói thầu đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước trong lĩnh vực xây lắp và hàng hóa thuộc các dự án do hai tổ chức quốc tế này tài trợ tại Việt Nam.
  • Tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Sau khi có văn bản chỉ đạo các ngân hàng về việc cho vay thu mua thóc gạo vụ Đông- Xuân 2019, ngày 4/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) lại ban hành văn bản số 1289/NHNN-TD về việc tiếp tục đẩy mạnh cho vay thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, DN phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, góp phần ổn định giá lúa gạo.
  • Thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế
    5 năm trước Ngân hàng - Tín dụng
    (BKTO) - Năm 2018, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh chung của thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu, nhưng TTCK Việt Nam vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Trong thời gian tới, để có thể nâng hạng TTCK Việt Nam từ “thị trường cận biên” lên thành “thị trường mới nổi”, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ còn rất nhiều việc quan trọng phải hoàn thành, đặc biệt là việc tạo lập niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS): Doanh nghiệp băn khoăn khi phải áp dụng hai hệ thống kế toán