Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo thực hiện vai trò Chủ tịch và thành viên Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 lần thứ 2 diễn ra vào ngày 23/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã cơ bản thống nhất với Dự thảo Đề án và yêu cầu Vụ Hợp tác quốc tế tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án kịp thời báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2016.
Quang cảnh Hội nghị chuyên đề lần thứ 6 trong khuôn khổ Đại hội ASOSAIlần thứ 13 tại Malaysia.Ảnh: Vụ HTQT
Dự thảo Đề án phác thảo một khung chung để các tiểu ban tham chiếu xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện của mình, tập trung vào các nội dung chính bao gồm: Chuẩn bị nội dung nghị sự, tài liệu, báo cáo, kịch bản điều hành, tổ chức ghi chép, tổng hợp nội dung, công tác thư ký cho từng phiên họp của Đại hội ASOSAI 14 và các hoạt động bên lề có liên quan. Đặc biệt, KTNN Việt Nam sẽ chủ trì điều hành một số nội dung quan trọng: Lễ khai mạc; Hội nghị chuyên đề lần thứ 7; Phiên họp toàn thể thứ hai của Đại hội ASOSAI 14; Kỳ họp Ban điều hành ASOSAI lần thứ 53.
Dự thảo Đề án cũng đã nêu rõ những trọng tâm chính trong công tác lễ tân, hậu cần, sự kiện cần thực hiện liên quan, gồm: nghi lễ đón tiễn đại biểu tại sân bay, khách sạn; đón tiếp, bố trí chỗ ngồi đại biểu tại địa điểm tổ chức Đại hội và tại các sự kiện trong khuôn khổ; trao quà tặng, tài liệu làm việc cho các đại biểu và khách mời; mời và xác nhận số lượng, thành phần đại biểu tham dự; bố trí phương tiện, lộ trình, lịch trình đưa đón đại biểu phù hợp...; trang thông tin điện tử của Đại hội; phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, quảng bá thông tin về Đại hội trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Song song với các quy định về an ninh - y tế của Nhà nước, Ban tổ chức cần phối hợp với các cơ quan, Bộ, ngành có liên quan theo dõi và chỉ đạo sát sao công tác bảo đảm an toàn - an ninh, y tế của Đại hội, có phương án xử lý mọi tình huống phát sinh gây ảnh hưởng tới an toàn, an ninh của sự kiện.
Về tiến độ công việc cụ thể, song song với việc hoàn thiện Dự thảo Đề án tổng thể tổ chức Đại hội ASOSAI 14 trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến, KTNN cần ưu tiên triển khai một số nội dung công việc trọng tâm từ nay đến hết năm 2016: hoàn thiện về dự kiến cơ cấu, thành phần Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức liên ngành, các Tiểu ban và Nhóm nòng cốt thực hiện Kế hoạch hành động ASOSAI và tiến hành đào tạo, tập huấn Nhóm nòng cốt; hoàn thành việc xây dựng dự kiến nội dung công việc, kinh phí triển khai của các Tiểu ban; xác định chủ đề của Đại hội; phê duyệt Đề án để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đại hội ASOSAI 14 là một sự kiện quốc tế cấp cao có quy mô lớn nhất của ASOSAI và của KTNN với sự tham gia của khoảng 350 đại biểu đến từ 50 quốc gia với cấp đoàn là cấp Bộ trưởng và cao hơn, đặc biệt một số Trưởng đoàn có vị trí tương đương cấp Tổng thống (SAI Indonesia), cấp Phó Thủ tướng (SAI Hàn Quốc), Bộ trưởng cao cấp (SAI Campuchia). Ngoài ra, Đại hội còn có sự tham dự của lãnh đạo INTOSAI và hơn 10 đoàn khách quốc tế trong vai trò quan sát viên. Do đó, Đề án có ý nghĩa tiên quyết trong việc đảm bảo sự thành công của Đại hội, giúp KTNN tạo dấu ấn tốt đẹp trong mắt đại biểu, bạn bè và đồng nghiệp trong nước và quốc tế.