Để cam kết hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả

(BKTO) - Các ngân hàng đồng loạt công khai những chương trình/chính sách/gói tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân vực dậy sau bão, lũ. Thế nhưng, làm thế nào để những chương trình, gói tín dụng ưu đãi đến được với DN, người dân như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhấn mạnh: “Đã cam kết là phải thực hiện”?

hoi-nghi-ngan-hang.jpg
Ngành ngân hàng tìm giải hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.  Ảnh: NHNN

Trong vòng 10 ngày, cùng với văn bản chỉ đạo cấp tốc, NHNN đã có 2 buổi làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành và gần nhất là Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Điều đó cho thấy quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, DN ổn định sản xuất, kinh doanh sau bão, lũ.

Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất, triển khai gói tín dụng hỗ trợ

Những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, hàng loạt ngân hàng đã công khai chương trình/chính sách/gói tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến ngày 17/9, đợt bão, lũ vừa qua đã làm thiệt hại đối với nền kinh tế trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Đối với ngành ngân hàng, dư nợ của tổ TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm tới 0,5% lãi suất cho vay từ ngày 06/9 hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 tại các địa phương bị ảnh hưởng, áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới. Ước tính chính sách này sẽ góp phần giảm thiểu khó khăn cho gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ lên tới 100 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã công bố giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng tùy theo từng mức độ từ 0,5 - 2%. Bám sát chủ trương của Chính phủ và NHNN, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai chương trình hỗ trợ, giảm lãi suất từ 0,5-2% tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng, áp dụng đối với cả nhóm khách hàng hiện hữu và khách hàng mới; triển khai gói tín dụng mới 60.000 tỷ đồng áp dụng từ ngày 20/9 đến hết năm 2024.

nhom-big4-ngan-hang-san-sang-ho-tro-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-sau-thiet-hai-bao-lu-20240916101521.jpg
Các ngân hàng đồng loạt công bố giảm lãi suất hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Ảnh: ST

Còn tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đối với khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, tùy theo mức độ thiệt hại, năng lực tài chính, MB sẽ giảm 0,5 -1% khoản vay ngắn hạn, giảm 1-2% khoản vay trung, dài hạn. Chương trình áp dụng ngay từ ngày 20/9 cho đến hết 2024. Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường. MB cũng đã xây dựng, bổ sung thêm gói 7.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường.

Nhằm đồng hành và tiếp sức cho khách hàng, Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank) sẽ giảm lãi suất cho vay với tổng quy mô dư nợ lên tới 29.700 tỷ đồng. Dự kiến, hơn 63.200 khách hàng tại 26 tỉnh/thành phố chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão sẽ được hưởng lợi từ chương trình này. Đối với các khách hàng mới, LPBank cũng áp dụng những chính sách hỗ trợ cần thiết với gói cho vay lên tới 8.000 tỷ đồng. Tổng số tiền hỗ trợ giảm lãi suất cho vay dự kiến lên đến 85 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng triển khai gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Bên cạnh giảm tối đa 50% số tiền lãi khách hàng phải trả hiện tại, TPBank sẽ giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31/01/2025.

Tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại chiều 21/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các ngân hàng đề xuất các chính sách mới thích ứng tình hình, trong đó có chính sách đối với những DN, người dân bị thiệt hại trong cơn bão lũ.

Cùng với các ngân hàng nêu trên, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) khác cũng đã triển khai chủ trương hỗ trợ DN, người dân gặp khó khăn do bão, lũ thông qua chính sách xử lý nợ cũ, chính sách mới với nhiều đối tượng… Việc công bố các chương trình, chính sách trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Cần thiết kế chính sách, cơ chế phù hợp

Với những chương trình mà các ngân hàng đưa ra, rất nhiều người dân, DN sẽ có cơ hội được hỗ trợ để vực dậy sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống sau bão lũ. 

Tuy vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy có chính sách hỗ trợ về bản chất rất tốt nhưng việc triển khai lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn, điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2% dành cho hộ kinh doanh, DN, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để chương trình giảm lãi suất hay các gói tín dụng ưu đãi đến được với người dân, DN, đúng như chỉ đạo của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: "Mỗi nhà băng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện", tránh câu chuyện muốn vay lãi suất thấp thì lên ti vi".

Bàn giải pháp cho vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Long bắt đầu từ thực tế các ngân hàng đang thiếu cơ sở pháp lý để triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng trên diện rộng, nhất là chính sách khoanh nợ. Theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nay là Nghị định 116/2018/NĐ-CP, đối tượng được hưởng chính sách khoanh nợ mới áp dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn; việc các lĩnh vực khác không được hỗ trợ cũng làm hạn chế phạm vi hỗ trợ của các ngân hàng.

Ngoài ra, ông Trần Long kiến nghị NHNN cần xem xét có chính sách mới về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt cho phù hợp.

Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cũng kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, tạo cơ chế hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục hoạt động, có nguồn thu trả nợ ngân hàng.

Đồng thời, NHNN nhanh chóng ban hành cơ chế cơ cấu nợ thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng, không giới hạn thời điểm giải ngân, được áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025. Cùng đó, NHNN có hướng dẫn thống nhất việc miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng do bão, lũ lụt.

Nhấn mạnh tinh thần chia sẻ khó khăn với người dân, DN sau bão lũ của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu tùy theo năng lực, các ngân hàng thương mại triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng, kịp thời, đúng đối tượng. Việc thực hiện chính sách phải công khai, minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách.

Đồng thời, NHNN cũng sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, giãn, hoãn thời hạn trả nợ, từ đó làm căn cứ xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại bởi cơn bão số 3; góp phần đảm bảo hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn./.

Cùng chuyên mục
Để cam kết hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả