Ảnh minh họa. Nguồn: vista.gov.vn |
Nhiều dự án đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội
Thông tin tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong DN và định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, ông Nguyễn Đình Bình - Giám đốc Quỹ NATIF - cho biết: Giai đoạn 2015-2020, Quỹ đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ DN đổi mới công nghệ theo tinh thần phục vụ, lấy DN làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ.
Thông qua các nhiệm vụ tài trợ, Quỹ đã huy động được 782 tỷ đồng từ DN cho các dự án đang thực hiện. Với các các nhiệm vụ đang xem xét đề xuất, Quỹ dự kiến huy động thêm 4.083 tỷ đồng từ DN có dự án đổi mới công nghệ tham gia.
Các đối tượng được NATIF xem xét, tài trợ là các DN nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến…); công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu...); y - dược (sản xuất vắc-xin, dược liệu, điều trị bệnh…).
Doanh thu của các DN hằng năm sau khi đổi mới công nghệ tăng thêm 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, nộp NSNN 300 tỷ đồng/năm. Tính theo cả chu kỳ công nghệ (5 - 7 năm), doanh thu, lợi nhuận, thuế nộp ngân sách của DN sẽ lớn gấp nhiều lần phần ngân sách tài trợ. |
Nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Quỹ xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho DN và xã hội. Cụ thể như Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre chủ trì đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ tách chiết ly tâm cao tốc để loại bỏ các axit béo không có lợi, khử trùng nhưng không phá hủy các vitamin trong nước dừa.
Đồng thời, Dự án áp dụng công nghệ đóng hộp phi kim loại đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Sản phẩm nước dừa đóng hộp được xuất khẩu tới 16 nước và nhận được đơn đặt hàng từ 30 nước trên thế giới. Hiện nay, sản phẩm nước dừa giải khát đóng hộp đã đóng góp hơn 250 tỷ đồng vào doanh thu của DN với lợi nhuận trước thuế trên 85 tỷ đồng.
Một dự án khác là “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi - nước có hàm lượng VOC thấp với công suất 15.000 tấn/năm” do Công ty Sơn Hải Phòng chủ trì. Dự án đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd thay thế sơn nhập ngoại và công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi bằng công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi - nước, lượng chất có hại giảm từ 50% xuống còn 15-25%.
Nhờ đổi mới công nghệ, hiện Công ty có thể sản xuất 15.000 tấn sơn Alkyd dung môi - nước đem lại doanh số khoảng 225 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 45 tỷ đồng và là DN đầu tiên làm chủ công nghệ mới này.
Ngoài ra, còn nhiều dự án khác được Quỹ triển khai, nghiệm thu và được Hội đồng Khoa học và công nghệ đánh giá cao như: Dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vắc-xin virus thú y đạt tiêu chuẩn GMP - WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào và phôi trứng”; Dự án “Đổi mới công nghệ trồng và chế biến cây Xạ can thành sản phẩm điều trị, hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp mà hạn chế dùng đến thuốc kháng sinh”; Dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất, lắp ráp thùng xe tải mui bạt phủ cỡ nhỏ và cỡ trung trên cơ sở module hóa kết cấu thùng xe”; Dự án “Xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái tại ấp Cây Giá, xã Định Thành, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu”...
Doanh nghiệp là trung tâm và chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - nhấn mạnh, khoa học và công nghệ được xác định là một trong những động lực thúc đẩy quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sự phát triển của khoa học và đổi mới sáng tạo hiện nay có đóng góp rất lớn của các tổ chức trung gian, trong đó có NATIF.
Để các DN, nhất là DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận dễ dàng hơn đối với các chính sách của Quỹ, ông Thân cho rằng thủ tục hành chính cần phải đơn giản hóa hơn nữa. Ngoài ra, sự phối hợp giữa Quỹ và Ngân hàng cũng phải thật nhuần nhuyễn và thống nhất.
Đồng tình với kiến nghị của Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, các DN tham dự Hội thảo kiến nghị và mong muốn giảm dần thủ tục, thời gian xét chọn; giao thẩm quyền nhiều hơn cho DN đối với các khoản chi đối ứng sử dụng nguồn kinh phí của DN; xây dựng, hoàn thiện chính sách thúc đẩy thị trường công nghệ, chính sách khuyến khích DN tích cực đổi mới công nghệ; tập trung vào công trình, đề tài trọng điểm và nâng mức đầu tư cao hơn.
Đồng thời, Quỹ cần có chính sách khuyến khích DN nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo điều kiện cho DN tiếp cận các công nghệ mới, tiên tiến, đồng thời được hỗ trợ chuyển giao để có thể đi tắt, đón đầu trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Gợi mở hướng đi cho Quỹ trong thời gian tới, GS,TS. Hoàng Văn Phong - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ NATIF cho rằng: Quỹ cần nắm bắt được nhu cầu của DN và các thông tin về công nghệ mới, hiện đại; từ đó, hình thành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghệ để giới thiệu cho DN và tuyển chọn, kêu gọi DN tham gia triển khai dự án cùng với Quỹ.
Cùng với cơ sở dữ liệu về công nghệ, Quỹ cần hình thành cơ sở dữ liệu về xuất xứ công nghệ, trình độ và khả năng đưa công nghệ thành công cụ, phương tiện phù hợp với từng loại hình DN, giúp DN tăng năng suất, khả năng chiếm lĩnh thị trường, doanh số, lợi nhuận. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữa các đơn vị quản lý, đơn vị sự nghiệp để nghiên cứu và truyền thông cho công nghệ sẽ là sự kết hợp hữu ích, đem lại hiệu quả cao./.