
Việt Nam có tiềm năng đáng kể từ các dự án năng lượng tái tạo, quản lý rừng bền vững và nông nghiệp carbon thấp. Các phân tích định lượng cho thấy, nếu tận dụng hiệu quả nguồn cung từ các lĩnh vực này, Việt Nam có thể đạt giá trị giao dịch tín chỉ carbon khoảng 300 triệu USD mỗi năm. Đặc biệt, với diện tích rừng chiếm 50% lãnh thổ và tỷ lệ che phủ rừng cao (42%), thị trường carbon rừng có thể tạo ra lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể.
Khung pháp lý thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã sử dụng tín chỉ carbon như một loại tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) đã công nhận EU Allowances (EUA) - một loại hạn ngạch carbon cho phép các công ty được Hệ thống giao dịch phát thải của EU bảo vệ thải ra một lượng CO₂ nhất định - là tài sản tài chính, cho phép sử dụng trong các giao dịch bảo đảm ngân hàng. Với Thái Lan, Chương trình Thailand Voluntary Emission Reduction (T-VER) kết hợp tín chỉ carbon với tài sản nông nghiệp theo Luật An ninh kinh doanh, cho phép nông dân sử dụng tín chỉ carbon từ dự án trồng rừng cùng với quyền sở hữu cây trồng để vay vốn ngân hàng. Còn với Australia, Australian Carbon Credit Units (ACCUs) có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm khi được đăng ký rõ ràng và xác minh kỹ lưỡng. Các ngân hàng tại đây thường kiểm tra trạng thái pháp lý của ACCUs, bao gồm quyền sở hữu và tình trạng chưa bị sử dụng trước khi chấp nhận chúng làm tài sản bảo đảm.
Theo Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường - PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ, mặc dù Điều 139 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã công nhận tín chỉ carbon là một loại tài sản có thể giao dịch, song đến nay, khung pháp lý về việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong hoạt động tín dụng ngân hàng vẫn thiếu đồng bộ và chưa có quy định rõ ràng. Việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm trong giao dịch tín dụng tại Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu. Chẳng hạn, thỏa thuận ERPA giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam về cam kết mua hơn 10 triệu tấn CO₂ từ các dự án lâm nghiệp cho thấy khả năng tín chỉ carbon có thể được coi là tài sản thế chấp trong tương lai. Bên cạnh đó, chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC) cũng đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng như công cụ chứng minh cam kết xanh, tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có cơ chế pháp lý công nhận I-REC làm tài sản đảm bảo tài chính.
Ông Thọ cho biết thêm, phần lớn doanh nghiệp mới chỉ tập trung phát triển các dự án giảm phát thải và tích lũy tín chỉ carbon nhằm đáp ứng cam kết môi trường, chưa thực sự khai thác như một công cụ tài chính. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng về quyền sở hữu, định giá và xử lý tín chỉ khi phát sinh rủi ro tín dụng. Một số ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội đã phát triển các sản phẩm tín dụng ưu đãi dành cho dự án năng lượng tái tạo và công trình xanh. Song, các khoản vay này chủ yếu dựa trên mô hình kinh doanh truyền thống và đánh giá tín dụng thông thường mà chưa xem tín chỉ carbon như một tài sản tài chính có thể cầm cố hoặc bảo đảm.
Khảo sát của Green Central Banking (2025) cũng cho hay, đa số ngân hàng Việt Nam vẫn coi tín chỉ carbon là yếu tố phi tài chính, mang tính hỗ trợ uy tín cho dự án vay vốn thay vì một tài sản tài chính có giá trị thương mại rõ ràng. Rào cản lớn nhất hiện nay đến từ sự thiếu vắng tiêu chuẩn định giá tín chỉ carbon một cách rõ ràng, cũng như cơ chế xử lý khi xảy ra rủi ro tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng chưa có quy trình nội bộ rõ ràng trong việc thẩm định, chấp nhận và giám sát loại tài sản đặc thù này.
Xây dựng khung pháp lý và hạ tầng thị trường
TS. Phạm Đức Anh - Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng - cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển một thị trường tín chỉ carbon năng động trong trung và dài hạn nếu xây dựng được hành lang pháp lý minh bạch và toàn diện cho việc sử dụng tín chỉ carbon làm tài sản bảo đảm, trở thành một nguồn lực tài chính quan trọng cho phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, PGS,TS. Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, để tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm hợp pháp và có tính thương mại cao, chúng ta cần đồng bộ một loạt điều kiện về mặt pháp lý và hạ tầng thị trường. Trước hết, Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý về quyền sở hữu, giao dịch và định danh tín chỉ carbon. Việc xác lập rõ ràng quy trình đăng ký, xử lý tài sản bảo đảm bằng tín chỉ carbon là điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng.
Đặc biệt, cần công nhận tín chỉ carbon là tài sản hợp pháp, có thể cầm cố, thế chấp hoặc phát hành sản phẩm tài chính phái sinh. Việc xác lập tín chỉ carbon là một loại tài sản tài chính hợp pháp sẽ là cơ sở để các ngân hàng và tổ chức tín dụng yên tâm sử dụng loại tài sản này trong các giao dịch tín dụng; đồng thời thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và đẩy mạnh tích hợp vào hệ thống tài chính quốc gia.
Song song với đó, các ngân hàng thương mại cần tập huấn chuyên sâu để nâng cao năng lực đánh giá tín chỉ carbon như một tài sản tài chính mới. Ngân hàng cần hiểu rõ bản chất, giá trị và kỹ thuật tài chính liên quan đến tín chỉ để thiết kế các sản phẩm tín dụng xanh mới như cho vay thế chấp bằng tín chỉ hoặc tài trợ dự án phát thải thấp.
Cùng với đó, cần có hướng dẫn chi tiết về phương pháp định giá tín chỉ dựa trên loại hình dự án, chất lượng giảm phát thải và mức đóng góp vào mục tiêu quốc gia. Cơ chế này không chỉ giúp chuẩn hóa giá tín chỉ mà còn tạo tính thanh khoản, tăng niềm tin cho nhà đầu tư và tổ chức tài chính. Ngoài ra, phát triển các tổ chức định giá và thẩm định tín chỉ carbon độc lập để hỗ trợ các ngân hàng trong việc đánh giá rủi ro và định giá loại tài sản này./.