Bước ngoặt chiến lược của Petrovietnam trong kỷ nguyên năng lượng mới

(BKTO) - Ông Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh: “Việc đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam là bước ngoặt mang tính chiến lược, phản ánh khát vọng mới, nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn trong chuyển đổi mô hình phát triển”.

anh-2.jpg
Thương hiệu Petrovietnam sẽ phát triển lên một tầm vóc cao hơn, hiện đại hơn, toàn diện hơn

Phù hợp với xu thế toàn cầu

Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Petrovietnam là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và áp lực giảm phát thải ròng, nếu chỉ tập trung vào khai thác dầu khí sẽ không còn phù hợp.

Việc đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia cho thấy Petrovietnam muốn định vị là một tổ hợp tích hợp, tham gia cả vào công nghiệp nền tảng và hệ sinh thái năng lượng mới.

“Việc đổi tên không đơn thuần là thay đổi định danh, nó còn gắn với một tư duy phát triển mới, cho thấy sự chủ động của Petrovietnam trong việc thích ứng với chuyển dịch năng lượng toàn cầu và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”

Ông Lê Thọ Bình

Theo quyết định và định hướng mới, Petrovietnam sẽ mở rộng hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: Năng lượng, Công nghiệp và Dịch vụ. Từ điện khí, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, lưu trữ năng lượng, cho đến phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chế tạo thiết bị, R&D công nghệ sạch... tất cả đều nằm trong chiến lược dài hạn được vạch ra.

Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam đánh giá cao việc Petrovietnam đi theo mô hình phát triển này: “Đây là hướng đi phù hợp với xu thế của các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới như BP, Shell hay TotalEnergies - những doanh nghiệp đã vượt ra khỏi vai trò công ty dầu khí để trở thành tổ hợp năng lượng - công nghệ - dịch vụ toàn cầu. Petrovietnam đang chọn một hướng đi đầy tham vọng và hoàn toàn chính đáng”.

anh-1.jpg

Tên gọi mới - sứ mệnh mới

Ngày 09/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đổi tên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt quan trọng, phản ánh định hướng chiến lược của quốc gia trong kỷ nguyên mới.

Đằng sau tên gọi mới là yêu cầu cấp thiết phải tái định vị mô hình hoạt động. Để thực hiện được sứ mệnh mới, Petrovietnam cần vượt qua 3 thách thức lớn: Tái cơ cấu quản trị theo hướng minh bạch - linh hoạt - hiệu quả; đầu tư chiều sâu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo; và nâng cấp năng lực cạnh tranh ở quy mô khu vực và toàn cầu.

“Không thể chỉ mua công nghệ về dùng, mà phải đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Chỉ khi làm chủ công nghệ, Petrovietnam mới thật sự trở thành người dẫn dắt chiến lược năng lượng quốc gia”, ông Bình nói.

Đặc biệt, vai trò của thể chế trong quá trình chuyển đổi của Petrovietnam rất quan trọng. Muốn Petrovietnam đổi mới thực chất thì cơ chế cho doanh nghiệp nhà nước cũng phải thay đổi. Tập đoàn cần được trao quyền tự chủ tài chính, quyền lựa chọn đối tác và định hướng đầu tư dài hạn.

Nếu vẫn giữ tư duy quản lý doanh nghiệp bằng "mệnh lệnh hành chính” thì không thể có đột phá. Đổi tên cũng là cơ hội để xây dựng lại thương hiệu trong tâm trí công chúng và nhà đầu tư. Petrovietnam giờ không chỉ là biểu tượng khai thác dầu mỏ, mà là biểu tượng của khả năng thích ứng, tinh thần tiên phong và khát vọng công nghiệp hóa trong một thế giới đang chuyển mình.

Tuy nhiên, ông Bình cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Điều khó nhất bây giờ là hiện thực hóa tên gọi bằng năng lực và chiến lược, qua các hành động, giải pháp”.

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam mang tên mới, sứ mệnh mới, không chỉ là lời khẳng định về vai trò trung tâm của Petrovietnam trong bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn là kỳ vọng về một hình mẫu doanh nghiệp nhà nước đổi mới thực chất, gắn kết lợi ích quốc gia với xu thế phát triển bền vững.

Đây không chỉ là câu chuyện của Petrovietnam, mà là phép thử cho năng lực chuyển đổi của cả nền kinh tế trong kỷ nguyên năng lượng mới.

Năm 2024 - Petrovietnam có năm thứ ba liên tiếp phá kỷ lục về tổng doanh thu toàn Tập đoàn khi vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 9% tổng GDP của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước đạt 165 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 9% tổng thu ngân sách của cả nước trong bối cảnh tác động bởi chính sách giảm thuế với sản phẩm xăng dầu của Petrovietnam. Doanh thu hợp nhất đạt 601 nghìn tỷ đồng, tăng 51%; doanh thu Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 270 nghìn tỷ đồng, tăng 237%; lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ - Tập đoàn đạt 35,1 nghìn tỷ đồng, tăng 45%. Lợi nhuận hợp nhất của Petrovietnam tiếp tục duy trì đạt trên 2,3 tỷ USD/năm.

Quý I/2025, Petrovietnam đã hoàn thành vượt mức gần hết các chỉ tiêu tài chính quý I/2205 từ 10% đến 2,2 lần. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn lũy kế quý I ước đạt 241.237 tỷ đồng, tăng trưởng so với cùng kỳ 2024; Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 34.696 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; Giá trị đầu tư trong quý ước đạt 7.387 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2024./.

Cùng chuyên mục
  • Sự cố tại mỏ Sông Đốc đã được kiểm soát
    11 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Sự cố xảy ra tại mỏ Sông Đốc, ngoài khơi Tây Nam Việt Nam đã được kiểm soát và không gây ảnh hưởng đến môi trường.
  • Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với tất cả các mặt hàng
    11 giờ trước Tài chính
    (BKTO) - Nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đến hết năm 2026, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị áp dụng chính sách này với tất cả các mặt hàng.
  • Sau sắp xếp, Thanh tra Chính phủ có 22 đơn vị
    15 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2025/NĐ-CP ngày 20/5/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ.
  • Tìm mô hình phù hợp cho Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam
    15 giờ trước Tài chính
    (BKTO) - Quyết định xây dựng Trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế không chỉ đơn thuần là một quyết sách phát triển kinh tế mà là bước đột phá thể chế mang tính chiến lược của Việt Nam. Đây là cơ hội để Việt Nam bứt phá, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết tài chính toàn cầu. Để hiện thực hóa kỳ vọng này, đâu là mô hình phù hợp cho Việt Nam?
  • Áp thuế 20% trên lãi chuyển nhượng bất động sản có khả thi?
    15 giờ trước Kinh tế
    (BKTO) - Nhằm cải cách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và hướng tới sự minh bạch, bền vững hơn cho thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Tài chính đang đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế chuyển nhượng BĐS dựa trên lợi nhuận thực tế, bên cạnh phương án tính theo giá trị giao dịch hiện hành. Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận với nhiều quan điểm, góc nhìn đa chiều.
Bước ngoặt chiến lược của Petrovietnam trong kỷ nguyên năng lượng mới