Mức vay không đáp ứngđược nhu cầu học tập, sinh hoạt
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác HS, SV (Bộ GD&ĐT) Dương Văn Bá, qua hơn 10 năm triển khai, Chương trình tín dụng HS, SV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 157) đã đem lại nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ phát triển đất nước. Giai đoạn 2007-2017, tổng doanh số tín dụng cho vay học tập đã chạm ngưỡng gần 60.000 tỷ đồng với hơn 3,5 triệu HS, SV được vay vốn cho chi phí học tập.
Tuy nhiên, ông Bá cũng nêu lên bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách, như: các thủ tục, xác nhận giấy tờ vay vốn cho HS, SV còn cứng nhắc, gây mất thời gian cho cả HS, SV và nhà trường; chưa có sự phối hợp qua lại để phản hồi về số liệu thống kê cụ thể số lượng HS, SV được vay vốn hằng năm từ Ngân hàng Chính sách xã hội về các trường, giúp trường kiểm soát số lượng HS, SV đã được vay vốn; mức vốn vay đang ở mức thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt thực tế hiện nay...
Thông tin về hạn mức cho vay theo Quyết định 157, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội - ngân hàng thực hiện giải ngân nguồn vốn vay - cũng cho rằng, mức vay vốn hiện nay đang ở mức thấp. Tính trung bình một SV học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM phải chi từ 3 - 4 triệu đồng/tháng, nhưng dù qua nhiều lần điều chỉnh, hạn mức cho vay vốn đối với HS, SV vẫn ở mức tối đa là 1,5 triệu đồng/tháng. Do đó, nhiều SV không mặn mà với chính sách vay vốn, dẫn đến doanh số cho vay giảm mạnh, làm hạn chế sự lan tỏa của chính sách.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến 2020-2021, các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ sẽ thực hiện tăng học phí theo lộ trình. Với mức học phí đào tạo đại học đại trà hiện nay nằm trong khoảng 15 - 20 triệu đồng/năm học, đến năm học 2020-2021, mức học phí của một số trường đại học có thể sẽ tăng gấp đôi hoặc gần gấp 3 so với hiện nay. Như vậy, với hạn mức cho vay như hiện tại, người học sẽ không thể trang trải được chi phí học tập cần thiết, chưa tính đến các chi phí sinh hoạt.
Cần tăng hạn mức vay ưu đãi để tạo sự bình đẳng, sát với thực tế
Nhận thấy những bất cập trong chính sách tín dụng dành cho HS, SV, cụ thể là hạn mức cho vay đang rất thấp hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như nhiều cơ quan có liên quan đều ủng hộ Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ nâng hạn mức cho vay hiện hành.
Bên cạnh đề xuất nâng hạn mức cho vay theo Quyết định 157, Bộ GD&ĐT cũng đang xây dựng, lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chính sách tín dụng và hoàn trả khoản vay tín dụng đối với HS, SV sư phạm (Dự thảo Nghị định). Theo đó, Dự thảo Nghị định đề xuất bỏ chính sách miễn học phí đưa ra mức vốn cho vay đảm bảo đủ để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí cho HS, SV sư phạm trong toàn khóa học với lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng. HS, SV ra trường làm trong ngành sư phạm tối thiểu 5 năm sẽ không phải hoàn trả khoản vay tín dụng. Tuy nhiên, HS, SV không làm việc trong ngành giáo dục phải bồi hoàn 100% khoản vay và lãi suất. Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, phương án trên nhằm đảm bảo để các trường sư phạm có thể thu hút người giỏi vào học, đồng thời tạo được sự công khai, minh bạch, bình đẳng trong việc thu và sử dụng học phí sư phạm so với các ngành học khác.
Góp ý về Dự thảo Nghị định này, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cho rằng, chủ trương bỏ quy định miễn học phí cho HS, SV sư phạm, thay vào đó là hình thức vay vốn ưu đãi sẽ đảm bảo hợp lý hơn, nhằm chấm dứt tình trạng đào tạo nhưng làm trái nghề, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, ông Nhĩ cũng băn khoăn khi Chương trình tín dụng hiện hành đang có hạn mức vay rất thấp, do đó, mức cho vay theo Dự thảo Nghị định sẽ ít nhiều tạo suy nghĩ phân biệt cho người học. “Không thể để chính sách tín dụng dành cho HS, SV, nhưng lại phân biệt các mức vay theo ngành đào tạo. Nếu vậy, mức vay theo Quyết định 157 cũng cần được tăng lên” - ông Nhĩ kiến nghị.
TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cũng đồng tình với hạn mức cho vay theo Dự thảo Nghị định khi cho rằng, đây là mức vay phù hợp, sát hơn với nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, ông Lâm cũng lưu ý, theo Quyết định 157, HS, SV sư phạm cũng là đối tượng thụ hưởng, vì vậy, cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh quy định trong Quyết định 157, đặc biệt là nâng hạn mức cho vay, khoanh vùng đối tượng vay vốn để tránh trùng lặp và đảm bảo chính sách mới được thực hiện hiệu quả.
PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018