Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035

(BKTO) - Tại Phiên họp sáng 14/5, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

202405141120227270_dsc_6740.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Phấn đấu đến năm 2030 các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hoá lâu dài, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam, có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập; tập trung vào các hoạt động thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật cụ thể gồm: di sản văn hóa; văn hóa cơ sở; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; điện ảnh; thư viện; giáo dục văn hóa; đào tạo; văn hóa dân tộc; văn hóa đối ngoại; công nghiệp văn hóa...

Chương trình đặt ra 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 9 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2035.

Trong đó, đến năm 2030, đạt 9 nhóm mục tiêu, gồm:

Hoàn thành 100% việc xây dựng và ban hành các bộ quy tắc ứng xử, phù hợp với đặc điểm địa phương và nguyên tắc bình đẳng giới về môi trường văn hóa;

100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 03 loại hình thiết chế văn hóa, 80% các đơn vị hành chính cấp huyện có Trung tâm Văn hóa-Thể thao đạt chuẩn;

100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa;

Ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo;

Hàng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố;

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước;

Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa;

80% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sỹ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; Hàng năm, có ít nhất 05 sự kiện quốc tế lớn về văn hóa nghệ thuật tại nước ngoài có sự tham gia chính thức của Việt Nam.

Dự kiến, Chương trình gồm 10 nội dung thành phần: Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, nâng cao năng lực thực hiện, truyền thông, tuyên truyền.

Cần xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm trong từng thời kỳ

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình. Tuy nhiên, phạm vi, quy mô của Chương trình còn rộng, dàn trải, vì vậy, Ủy ban đề nghị cần xác định các nhiệm vụ đầu tư trọng điểm trong từng thời kỳ dựa trên điều kiện thực tiễn ở địa phương và kết quả đầu tư của ngân sách nhà nước ở các thời kỳ trước, một số loại hình công trình văn hóa đặc thù không nên phân bổ đều ở tất cả các địa phương.

202405141045227163_dsc_6660.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, mục tiêu tổng quát của Chương trình khá nhiều; trong đó, có những nội dung đã bao quát các mục tiêu còn lại, có những nội dung là những mục tiêu cụ thể, chưa bảo đảm tính tổng quát; có nội dung được nêu trong mục tiêu cụ thể nhưng nội hàm không được đề cập trong mục tiêu tổng quát.

Các mục tiêu cụ thể được liệt kê còn dàn trải, nhiều mục tiêu có nội dung tương tự với nhiệm vụ thường xuyên của lĩnh vực văn hoá, có thể trùng lặp với một số chương trình, đề án khác, còn mang tính hình thức, chưa tạo được những chuyển biến mạnh mẽ và khó đánh giá hiệu quả.

"Ủy ban đề nghị Chính phủ cần thuyết minh cụ thể hơn về các chỉ tiêu của chương trình và tiếp tục rà soát các chủ trương, đường lối của Đảng, các Chương trình, đề án về phát triển văn hoá; đồng thời, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình và nhu cầu thực tiễn để đưa ra các mục tiêu của Chương trình bảo đảm gọn, rõ ràng, không trùng lặp, thể hiện được quan điểm đầu tư trọng tâm, trọng điểm và là căn cứ để xác định nhu cầu đầu tư của Chương trình" - Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.

Góp ý tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng nhấn mạnh, Chương trình là chính sách quan trọng của Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách của ngành văn hóa, không thay thế toàn bộ nhiệm vụ đầu tư khác của Nhà nước cho hoạt động phát triển văn hóa. Do đó, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo ra các đột phá, thúc đẩy lợi ích kinh tế từ lĩnh vực này, từ đó đóng góp GDP cả nước. "Nếu phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta sẽ tự có nguồn thu từ văn hóa để thúc đẩy và đầu tư, tôn tạo cho chính văn hóa" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, đây là Chương trình rất quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý cần thể hiện rõ hơn một số nội dung liên quan đến công nghiệp văn hóa; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, đột phá, điểm nhấn của Chương trình; việc xây dựng trung tâm văn hóa tại một số quốc gia.

Cùng chuyên mục
  • Tiếp tục chuẩn bị và tổ chức Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Mới đây, tại Phú Thọ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ Hội đồng Tư vấn về Văn hóa - Xã hội năm 2024.
  • Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn tác hại của thuốc lá điện tử
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng gia tăng nhanh trong cộng đồng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người sử dụng. Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
  • Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác mặt trận
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Đề án chuyển đổi số của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn 2025-2023, tầm nhìn đến năm 2035 sẽ sớm được hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt, triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu, công việc của mặt trận trong giai đoạn mới.
  •  Việt Nam và Liên minh châu Âu chung tay vì môi trường sạch
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Ngày 12/5, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh và Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Hà Nội, với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group, đã tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam - EU với chủ đề: “Việt Nam - EU: Chung tay vì một môi trường sạch”.
  • Thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân"
    một tháng trước Xã hội
    (BKTO) - Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ cho nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân xuất sắc có đủ năng lực, điều kiện để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, là hạt nhân thúc đẩy quá trình "tri thức hóa nông dân".
Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035