
Bảo đảm việc phân quyền không bị lạm dụng hoặc gây bất bình đẳng
Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền - một trong những điểm mới cốt lõi của Dự thảo Luật là cơ chế phân cấp, phân quyền - được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đề cập vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu rõ, khoản 3 Điều 6 Dự thảo Luật quy định, Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân quyền, tức là trao quyền quyết định độc lập và phân cấp, trao quyền thực hiện nhưng vẫn chịu sự chỉ đạo từ trên xuống.
“Nếu không có ranh giới rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương” - đại biểu nói và đề nghị làm rõ khái niệm phân quyền và phân cấp theo hướng phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực, ví dụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, còn phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ nhưng vẫn chịu sự giám sát.

Về phân quyền, theo đại biểu, Dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương có thể đề xuất phân quyền khi có đủ điều kiện, năng lực nhưng không xác định rõ tiêu chí đánh giá năng lực và điều kiện cần thiết; quy định chính quyền địa phương có thể chủ động phối hợp liên kết vùng, liên vùng nhưng không làm rõ cơ chế phối hợp dẫn đến nguy cơ thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Đồng thời, Dự thảo Luật yêu cầu công khai, minh bạch nhưng chưa có cơ chế giám sát độc lập để bảo đảm việc thực hiện phân quyền không bị lạm dụng hoặc gây bất bình đẳng giữa các địa phương.
Từ những vấn đề được chỉ ra, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá, điều kiện phân quyền theo hướng chính quyền địa phương được đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện về nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, kinh nghiệm quản lý và đáp ứng tiêu chí theo quy định của Chính phủ.
Cùng với đó, bổ sung cơ chế phối hợp liên vùng theo hướng chính quyền địa phương chủ động phối hợp liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển kinh tế - xã hội thuộc phạm vi được phân quyền trên cơ sở quy hoạch vùng có sự giám sát và điều phối của Chính phủ.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế giám sát độc lập theo hướng việc thực hiện phân quyền phải được giám sát bởi Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Kiểm toán nhà nước để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.
Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị làm rõ cơ chế kiểm soát của Thủ tướng đối với các Bộ trưởng trong trường hợp Bộ trưởng thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao; đồng thời, làm rõ cơ chế kiểm soát Chính phủ, Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát.
Hiện nay, cơ chế giám sát Chính phủ chủ yếu dựa vào Quốc hội, trong khi vai trò giám sát của Tòa án, Viện kiểm sát còn hạn chế. Chỉ ra thực tế này, đại biểu đề xuất bổ sung quy định nội dung: Chính phủ phải bảo đảm quyền lực được kiểm soát hiệu quả thông qua cơ chế giám sát giữa Chính phủ, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan Kiểm toán nhà nước. Cơ chế giám sát này phải được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật liên quan.
Tránh chồng chéo, cát cứ trong phân cấp, phân quyền
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) nhấn mạnh việc tránh chồng chéo và cát cứ quyền lực khi thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền.

Theo đại biểu, phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa trung ương và địa phương.
Ví dụ, một nhiệm vụ trọng yếu như quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách.
Mặt khác, nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.
Về nguy cơ cát cứ quyền lực, đại biểu Khải cho rằng, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát, ví dụ việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích của địa phương mình mà không nhất quán với chính sách chung của quốc gia.
Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên, có kinh tế mạnh, có thể tận dụng sự phân quyền này để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương. Ngược lại, địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm quyền, lạm dụng để trục lợi - đại biểu nêu rõ.
Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc phân quyền có điều kiện. Theo đó, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; đồng thời, xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền.
Song song đó, tăng cường giám sát của Trung ương, đại biểu đề nghị thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Đối với quy định về phân cấp, đại biểu lo ngại nguy cơ chồng chéo quyền lực, thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự lạm quyền trong phân cấp cũng như nguy cơ cát cứ quyền lực trong phân cấp.
Phân cấp quá mạnh có thể khiến địa phương đưa ra các quyết định không đồng bộ với trung ương, ví dụ một số địa phương có thể thiết lập chính sách riêng về đầu tư, về thương mại, chính sách công, khó khăn trong kiểm soát. Nếu thiếu sự phối hợp giữa địa phương có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lợi ích nhóm, chậm trễ trong việc triển khai các dự án lớn.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải
Đề xuất nội dung điều chỉnh quy định về phân cấp, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế thẩm định hiệu quả phân cấp, quy định rõ nhiệm vụ nào bắt buộc phải có báo cáo đánh giá hằng năm. Các quyết định phân cấp phải được Quốc hội giám sát định kỳ. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc phân cấp linh hoạt đối với các địa phương chưa đủ năng lực, cần có chế tài kiểm soát chặt chẽ thay vì giao toàn bộ quyền hạn.