Đề xuất giải pháp tăng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa

(BKTO) - Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, hiện nay, cầu tiêu dùng trong nước đang quá thấp là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp xi măng sản xuất cầm chừng. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa.

98.jpg
Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa hiện khá thấp. Ảnh minh họa: S.T

VNCA cho biết, 2 năm qua, tiêu thụ xi măng ở trong nước đã tăng trưởng âm. Đầu ra gặp khó, nhiều doanh nghiệp trong ngành phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng, thậm chí có doanh nghiệp phải dừng sản xuất.

Theo VNCA, hiện nay, cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu đạt 31,2 triệu tấn.

Ông Lương Đức Long - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VNCA cho biết, tiêu thụ nội địa chỉ bằng khoảng 50% công suất sản xuất, xuất khẩu cũng không mấy khả quan, khi 2 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu chỉ quanh mức 30 triệu tấn. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn kép về tiêu thụ cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu..

Nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xi măng thấp ở thị trường nội địa được ông Long chỉ ra là do các dự án đầu tư công triển khai còn chậm. Cùng với đó, thị trường bất động sản thời gian qua khá trầm lắng khiến nhu cầu xi măng phục vụ xây dựng các dự án giảm sút. Ngoài ra, các dự án xây dựng đường giao thông, trong đó có đường cao tốc vẫn sử dụng công nghệ truyền thống, chủ yếu là nền đường đắp và mặt đường bê tông atsphalt, trong khi đó, giải pháp xây dựng đường dạng cầu cạn bằng bê tông xi măng cốt thép rất hạn chế...

Lãnh đạo VNCA cũng bày tỏ lo ngại, tình trạng khó khăn trên nếu kéo dài thêm nữa, nhiều doanh nghiệp xi măng sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản hoặc phải chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Hệ lụy tiêu cực nữa đó là nếu các nhà máy xi măng phải dừng hoạt động sẽ dẫn tới nguy cơ thiếu xi măng cho toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Trước thực trạng đó, VNCA đã kiến nghị một số giải pháp để gỡ khó cho ngành xi măng, mục tiêu để tăng lượng tiêu thụ.

Trước hết, Bộ Giao thông vận tải cần sớm nghiên cứu triển khai việc xây dựng các tuyến đường dạng cầu cạn, thay thế loại đường bê tông xi măng cốt thép cho loại đường đắp nền đất ở những nơi thích hợp. Công nghệ này phù hợp với những nền đất yếu và những nơi cần thoát lũ như miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.

Một kênh tiêu thụ xi măng nữa được VNCA kiến nghị đó là, để nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình đường giao thông, cần sử dụng công cụ gia cố nền đường bằng xi măng - đất, thay cho công nghệ truyền thống. Công nghệ này đã được nhiều nước trên thế giới đang áp dụng rất hiệu quả.

“Việc gia cố nền đường bằng xi măng - đất cho phép sử dụng tất cả các loại đất tại chỗ, mang lại độ bền cho nền đường, giảm độ thấm hút nước, phân bố tải trọng đều hơn, tăng tuổi thọ và giảm chi phí bảo trì cho công trình” - lãnh đạo VNCA cho biết.

Ngoài ra, để khơi thông cho kênh xuất khẩu, VNCA kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội thông qua việc bỏ thuế xuất khẩu đối với clinker. Trong ngắn hạn, nếu chưa bãi bỏ, VNCA đề xuất giữ nguyên thuế xuất khẩu với clinker trong 2 năm tới là 5% và xem xét sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất clinker theo hướng sản xuất clinker thuộc đối tượng hàng hóa được khấu trừ thuế giá trị gia tăng./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất giải pháp tăng tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa