Giá vàng tăng phạm vi hẹp
Giá vàng tăng trong phạm vi hẹp trong phiên chiều 24/4 trong khi các nhà đầu tư chờ đợi số liệu kinh tế Mỹ để biết rõ hơn về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.325,23 USD/ounce vào lúc 13 giờ 34 phút (giờ Việt Nam), sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 5/4 trong phiên trước đó. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn lại giảm 0,2% xuống 2.338,00 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index dự đoán giá vàng sẽ dao động trong khoảng 2.300 USD đến 2.350 USD/ounce trừ khi có “chất xúc tác” mới.
Tuần này, nhà đầu tư sẽ tập trung vào số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ công bố vào thứ Năm (25/4) và báo cáo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào thứ Sáu (26/4).
Tại Việt Nam, vào lúc 15 giờ 30 ngày 24/4, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 82,50 - 84,50 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Về dài hạn, trong một báo cáo được công bố vào ngày 22/4 của hãng nghiên cứu Rosenberg Research đã dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục, lên khoảng 3.000 USD/ounce, tương đương với mức tăng tiềm năng 29% so với mức hiện tại.
Báo cáo này cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang có xu hướng mua vàng mạnh mẽ. PBoC đã mua dự trữ vàng trong 17 tháng liên tiếp, và họ có thể còn mua nhiều vàng hơn khi đặt mục tiêu nâng lượng dự trữ vàng lên mức ngang bằng với các ngân hàng trung ương khác.
Chỉ riêng trong năm qua, Trung Quốc đã mua khoảng 181 tấn vàng và hiện là nước nắm giữ dự trữ vàng lớn thứ sáu thế giới, nâng tỷ trọng dự trữ vàng của nước này lên 4,3% vào tháng 3/2024. Nhưng tỷ trọng dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ so với các ngân hàng trung ương khác, với mức trung bình toàn cầu là 13%. Điều đó cho thấy Trung Quốc còn nhiều dư địa để tiếp tục tích lũy vàng vào dự trữ ngoại hối.
Bên cạnh đó, các yếu tố khác có thể giúp đẩy giá vàng lên 3.000 USD/ounce bao gồm nhu cầu tăng từ các nhà đầu tư thông qua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) bằng vàng do căng thẳng địa chính trị vẫn gia tăng và việc Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.
Giá dầu tiếp tục tăng
Giá dầu tiếp tục tăng trong phiên giao dịch chiều 24/4 sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm vào tuần trước và là một dấu hiệu tích cực đối với nhu cầu, mặc dù các thị trường cũng đang theo dõi chặt chẽ những căng thẳng leo thang ở Trung Đông.
Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 26 xu Mỹ (0,29%) lên 88,68 USD/thùng và giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 26 xu Mỹ (0,31%) lên 83,62 USD/thùng vào lúc 13 giờ 34 phút (giờ Việt Nam).
Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3,237 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/4. Ngược lại, sáu nhà phân tích do hãng tin Reuters thăm dò đã dự đoán tăng 800.000 thùng.
Các nhà phân tích vẫn lạc quan rằng bất kỳ diễn biến mới nhất nào về xung đột ở Trung Đông sẽ vẫn hỗ trợ thị trường, mặc dù tác động đến nguồn cung dầu hiện tại vẫn còn hạn chế. Giá dầu Brent dự kiến sẽ ở mức 90 USD/thùng vào cuối năm nay.
Chứng khoán tiếp tục tăng điểm
Trong phiên giao dịch 23/4 (giờ địa phương), chứng khoán Phố Wall tăng phiên thứ hai liên tiếp, theo sau báo cáo doanh thu khả quan của các doanh nghiệp.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,7% lên 38.503,69 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 5.070,55 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,6% lên 15.696,64 điểm.
Sau đà giảm của tuần trước, chứng khoán Mỹ khởi đầu tuần này với hai phiên tăng điểm liên tiếp giữa bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel dịu bớt. Giá cổ phiếu của các tập đoàn như General Electric, Spotify Technology và Kimberly-Clark đều tăng mạnh sau báo cáo hàng quý.
Chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 24/4 sau đợt phục hồi mạnh mẽ ở Phố Wall và một kỷ lục khác ở London, khi các nhà giao dịch vui mừng với các báo cáo thu nhập lạc quan và dữ liệu cho thấy hoạt động kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Các nhà phân tích cho biết sự sụt giảm gần đây trên thị trường đã tạo cơ hội để các nhà giao dịch quay trở lại, đồng thời căng thẳng ở Trung Đông dịu bớt cũng đang mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết.
Trong phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 2,4% lên 38.460,08 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 2,2% lên 17.201,27 điểm, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,8% lên 3.044,82 điểm. Thị trường Seoul và Đài Bắc tăng hơn 2% trong khi Wellington và Manila tăng hơn 1%. Thị trường Mumbai, Bangkok, Singapore và Jakarta cũng tăng điểm, trong khi Sydney đi ngang.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi Mỹ công bố một số dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này, trong đó nổi bật là chỉ số PCE - thước đo lạm phát ưa thích của Fed.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên chiều 24/4 VN-Index tăng 28,21 điểm lên 1.205,61 điểm; HNX-Index tăng 5,21 điểm lên gần 228 điểm. Toàn thị trường có hơn 650 mã tăng và gần 180 mã giảm.