Chậm ban hànhnghị định hướng dẫnnên chưa thu được tiền
Luật Khoáng sản có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 đều có những quy định cụ thể về thu tiền cấp quyền khai thác đối với các loại khoáng sản và tài nguyên nước. Bên cạnh thuế tài nguyên đã thu từ nhiều năm trước, đây là một khoản thu thêm nhằm nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí hai nguồn tài nguyên này. Đại biểu Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) và nhiều ý kiến khác đều khẳng định, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước là chính sách đúng đắn.
Theo Tờ trình của Chính phủ, để triển khai thi hành 2 Luật trên, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản hướng dẫn này còn chậm trễ, làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật. Cụ thể, đến ngày 28/11/2013, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2014 (Nghị định 203), chậm hơn 2 năm 6 tháng. Đến ngày 17/7/2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2017 (Nghị định 82), chậm 4 năm 8 tháng. Việc chậm ban hành các nghị định hướng dẫn nêu trên đã làm cho các tổ chức, cá nhân phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước không có cơ sở thực hiện nghĩa vụ nộp tiền; các cơ quan quản lý nhà nước cũng không thu được số tiền phải nộp (số tiền dự tính khoảng 5.000 tỷ đồng).
Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị định 203 và Nghị định 82, Chính phủ thấy rằng, việc hồi tố truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là khó khả thi do có những khó khăn, vướng mắc. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước từ thời điểm 2 Luật trên có hiệu lực đến thời điểm các nghị định hướng dẫn có hiệu lực.
Còn nhiều ý kiến khác nhau
Cho ý kiến về đề xuất trên, đại biểu Thành phân tích: Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể đều đã phát sinh và thực hiện kể từ thời điểm Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, trong đó có trách nhiệm của các DN trong việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước. Vì vậy, không thể có việc hồi tố truy thu khoản tiền này. Bản chất của việc hồi tố như Chính phủ nêu trong Tờ trình là hồi tố thực hiện các nghị định quy định chi tiết 2 Luật trên. Tuy nhiên, các nghị định này không có quy định nào về hồi tố. Do vậy, về mặt pháp lý, từ khi luật có hiệu lực cho đến thời điểm nghị định có hiệu lực, vẫn chưa có quy định nào về phương pháp tính, mức thu cụ thể của giai đoạn này, cho nên, nếu có thu thì cũng không thể tính toán được giá trị cụ thể của khoản thu này và vì thế không thể thu được. Đồng thời, việc tổ chức thu tiền cấp quyền khai thác của giai đoạn này sẽ dẫn đến khó khăn cho DN. Hơn nữa, lỗi chậm ban hành văn bản hướng dẫn là do cơ quan nhà nước thì không thể bắt DN, người dân phải chịu trách nhiệm. Do đó, đại biểu tán thành với đề xuất của Chính phủ đề nghị Quốc hội miễn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước đối với các DN trong giai đoạn từ khi 2 Luật có hiệu lực cho đến thời điểm các nghị định hướng dẫn có hiệu lực.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội một nội dung, đó là áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ ngày 01/01/2013 và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ ngày 01/9/2017, bởi thời điểm đó mới có phương pháp thu và mức thu.
Trong khi đó, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng: Hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước vẫn diễn ra và mang lại nguồn thu thật, tiền thật cho DN, tổ chức, cá nhân nên việc phải nộp ngân sách là chuyện bình thường. Hơn nữa, quy định thu tiền cấp quyền khai thác được ban hành để ngăn chặn tình trạng thất thu từ khoáng sản, tài nguyên nên không thể miễn thu khoản này chỉ vì lý do Chính phủ chậm ban hành nghị định. Đồng thời, đây cũng là dịp để khẳng định cơ quan quản lý sẽ cương quyết xử lý những trường hợp chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật. Đại biểu Hàm đề nghị rà soát, tính toán đủ các khoản phải nộp ngân sách, xác định các khoản không thể thu, nguyên nhân, số phải thu đủ vào ngân sách vì đây là khoản thu ngân sách theo luật định. Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng có trách nhiệm đôn đốc số thu được vào ngân sách…
Còn tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung đánh giá việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước ảnh hưởng như thế nào đến việc thu NSNN.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước.
MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 07-11-2019