Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tất cả người lao động

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN.

bhtn7.jpeg
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN khi sửa đổi Luật Việc làm. Ảnh minh họa: TTXVN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ điều chỉnh một số chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng tất cả người lao động có giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động xác định thời hạn, không xác định thời hạn hoặc hợp đồng có thời hạn từ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHTN, thay vì hợp đồng có thời hạn đủ 3 tháng như quy định hiện hành.

Đồng thời, đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHTN bao gồm: mức lương, các khoản phụ cấp; sửa đổi quy định về mức trần đóng BHTN; bổ sung thêm đối tượng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung nội dung chi của Quỹ BHTN, nhất là các nội dung chi hỗ trợ quản lý, phát triển người tham gia, thu thập thông tin cung-cầu lao động… góp phần quản trị thị trường lao động.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư Quỹ BHTN, danh mục đầu tư theo tính chất sở hữu, khả năng sinh lời và quản lý rủi ro chặt chẽ, phù hợp với tính chất của Quỹ; bổ sung quy định về Hội đồng quản lý Quỹ BHTN; bổ sung quy định về chi phí quản lý BHTN; về khiếu nại, tố cáo về BHTN (quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo về BHTN).

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, giai đoạn từ năm 2015 đến nay, số người được hưởng các chế độ BHTN không ngừng tăng qua các năm; chính sách BHTN đã phát huy vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua. Cụ thể, năm 2021 có gần 1,8 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015 (bình quân tăng 94%/năm), trong đó tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công đạt khoảng 35%; có 801.925 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 1,5 lần so với năm 2015 (bình quân tăng 42%/năm); 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận thấy những hạn chế của chính sách này như: chưa có quy định về chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, nên khó khăn đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm trong tổ chức thực hiện; chế độ hỗ trợ học nghề mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp, chưa có giải pháp hỗ trợ người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề./.

Cùng chuyên mục
Đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến tất cả người lao động