ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội):
Quyết sách hiệu quả nhất để văn hóa Việt Nam tỏa sáng
Đầu tư cho văn hóa không chỉ cần thiết mà cấp thiết lắm rồi. Đầu tư ở đây không chỉ là tiền bạc, vật chất mà còn là nhận thức, quan tâm thực chất của các ngành, các cấp từ Trung ương tới cơ sở đối với văn hóa để con người và xã hội có văn hóa, nền nếp, quy củ.
Trong các nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, cần đầu tư phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghệ y tế, kinh tế - giáo dục, kinh tế - thể thao và du lịch mà tôi tạm gọi chung là “kinh tế văn xã”. Đó là những ngành mà nước ta có tiềm năng, thế mạnh rất lớn, chưa khai thác và phát huy được nhiều, nhất là nguồn nhân lực với hơn 100 triệu người dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước cần cù thông minh, nghị lực và yêu nước.
Phát triển “kinh tế văn xã” chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 và các loại virus độc hại khác cho sức khỏe và con người, vừa phát triển kinh tế và cũng thu được lợi ích kép, không chỉ có con người Việt Nam toàn diện đức, trí, thể, mỹ và một xã hội văn minh, nền nếp, dân trí, văn hóa cao mà còn rất hiệu quả về kinh tế.
Tôi mong rằng, Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ tiếp tục thảo luận sâu sắc hơn về văn hóa cùng “kinh tế văn xã”; sẽ chọn phát triển “kinh tế văn xã” làm trụ cột, là khâu đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước, để chúng ta có thể viết lên một câu chuyện thần kỳ về kinh tế Việt Nam ngay trong 10 năm tới. Toàn xã hội, cử tri cả nước tin tưởng Quốc hội sẽ đưa ra những quyết sách tốt nhất, hiệu quả nhất để văn hóa Việt Nam tỏa sáng, soi đường, để “kinh tế văn xã” phát triển, góp phần cho một Việt Nam thịnh vượng.
ĐBQH Nguyễn Như So (Bắc Ninh):
Hỗ trợ doanh nghiệp phải là nhiệm vụ trọng tâm
Chúng ta đã đạt được thành công lớn khi là nước duy nhất ở Đông Nam Á giữ được mức tăng trưởng trên 2% và đứng thứ hai ở châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng của đại dịch. Tuy vậy, phục hồi sản xuất kinh doanh hậu Covid-19 không dễ dàng. Các nguồn lực của doanh nghiệp đã bị bào mòn bởi tác động của đại dịch. Lúc này, với doanh nghiệp, sự thấu hiểu và nuôi dưỡng là hết sức cần thiết.
Một là, triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, nới lỏng các điều kiện, căn chỉnh thời gian cho phù hợp và triển khai các gói hỗ trợ lần hai không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh mà còn phải nhanh để phát huy hiệu quả. Cần lựa chọn đúng và trúng các đối tượng để tập trung hỗ trợ, cần phân loại nhóm ngành hàng để đưa ra mức hỗ trợ phù hợp, tránh cào bằng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Đây là thời điểm cần vực dậy các doanh nghiệp giữ vai trò chính trong liên kết các doanh nghiệp, có tác động lan tỏa, có khả năng cung cấp lượng hàng hóa lớn và tạo việc làm cho chuỗi cung ứng liên quan. Các doanh nghiệp đầu tàu khỏe mạnh sẽ tạo động lực kéo các doanh nghiệp nhỏ trong chuỗi đứng lên.
Hai là, gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách. Cần phải đột phá điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí. Đây cũng là điều kiện tiên quyết góp phần thu hút vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập cơ sở sản xuất sau đại dịch, mà Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm sáng khi nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
Ba là, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạnh dạn hỗ trợ người lao động học các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp và cấu trúc lại hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bám sát nhu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp, giúp người lao động có được “cần câu”, có cơ hội việc làm phù hợp hơn và doanh nghiệp cũng có được nguồn nhân lực chất lượng hơn, có năng suất cao hơn.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc):
Xem lại chỉ tiêu tăng trưởng
Trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội có sự thay đổi về loại chỉ tiêu. Cụ thể thay 5 chỉ tiêu mới cho 5 chỉ tiêu thường dùng trước đây, đồng thời số lượng chỉ tiêu giữa các lĩnh vực cũng có sự thay đổi. Tôi đề nghị nêu rõ lý do của sự thay đổi này.
Mặt khác, cần bổ sung chỉ tiêu về mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP. Đây là chỉ tiêu quan trọng, phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh; phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế có thể giảm mức tiêu hao năng lượng so với GDP bằng cách hạn chế các ngành hoạt động tiêu tốn năng lượng và phát triển ngành hoạt động ít tiêu hao năng lượng hơn.
Về nhiệm vụ và giải pháp, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh vì đây là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nhất và nhiều nhất. Cùng với đó, cần tập trung nguồn lực, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất kinh doanh như tái định cư nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, giống và vốn... Nhà nước cần thiết phải đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra trong bất cứ tình huống nào, tránh tình trạng sau nhiều ngày xảy ra sự cố vẫn không tiếp cận, ứng cứu kịp thời đối với các vùng, khu vực bị cô lập.