
Sáng 09/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, mục đích ban hành Luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch để phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Dự thảo Luật bao gồm 2 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản của Luật Quy hoạch với nhiều điểm mới.
Một trrong những điểm mới của Dự thảo Luật, là bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu sắp xếp lại đơn vị hành hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Cụ thể, Dự thảo Luật đề xuất: Không phải lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; việc thẩm định quy hoạch có thể theo hình thức họp Hội đồng thẩm định hoặc lấy ý kiến thẩm định bằng văn bản của các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan.
.jpg)
Phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Một điểm mới đang chú ý nữa, dự thảo luật đề xuất phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước về quy hoạch. Cụ thể: Phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng và quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Dự thảo Luật cũng đề xuất, phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh; Phân cấp cho các Bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia; phân cấp cho UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đề xuất hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục của hoạt động quy hoạch và trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nhà nước về quy hoạch để tháo gỡ các khó khăn, bất cập trong thực tiễn, cụ thể: Bỏ quy định về việc xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch nhằm đơn giản hoá trình tự, thủ tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch; Bổ sung quy định làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn không phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, một số ý kiến đề nghị chưa phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, nhất là trong trường hợp lập mới các quy hoạch này vì nội dung này chưa được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, có thể dẫn đến không đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng kết thực tiễn khi sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch. “Trong trường hợp cần phân cấp cho Chính phủ quyết định việc lập mới quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia thì cần rà soát, nghiên cứu để tích hợp một số nội dung quan trọng của 2 quy hoạch này vào nội dung của quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm quyền giám sát tối cao của Quốc hội theo Hiến định đối với các nguồn lực đặc biệt, có tầm quan trọng quốc gia” - ông Phan Văn Mãi cho biết.
Về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, dự thảo Luật chỉ mới quy định chung cho các trường hợp điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2021-2030 mà chưa có quy định riêng biệt về quy trình điều chỉnh quy hoạch theo tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch bị thay đổi sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp; trường hợp cần thiết có thể giao Chính phủ quy định chi tiết để tránh vướng mắc khi triển khai thực hiện.
Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ dự thảo luật này chiều 10/5, thảo luận ở Hội trường vào ngày 28/5, trước khi biểu quyết thông qua sáng 25/6./.