Đề xuất quy định Quốc hội có thể họp nhiều đợt

(BKTO) - Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt, nhằm kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội.



                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

   

Tại phiên họp chiều 20/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nội quy (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Dự thảo Nội quy bổ sung nhiều điểm mới.

Đáng chú ý, Dự thảo Nội quy bổ sung một số quy định về kỳ họp bất thường. Theo đó, Quốc hội xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của các chủ thể được quy định tại Điều 83 của Hiến pháp năm 2013 và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường trong Dự thảo Nội quy kỳ họp; đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn việc tổ chức kỳ họp bất thường nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức kỳ họp bất thường, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định về kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt tùy theo nội dung, chương trình được Quốc hội thông qua tại khoản 2 Điều 1 của Dự thảo Nội quy kỳ họp.

“Việc ghi nhận nội dung này trong Nội quy kỳ họp Quốc hội là phù hợp với thực tiễn hoạt động của Quốc hội 02 năm vừa qua trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và cũng tạo cơ sở cho việc chuyển dần hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp sang thường xuyên hơn trong khi số lượng ngày họp thực tế không tăng lên nhiều để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề thực tiễn đặt ra thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Bên cạnh quy định về kỳ họp, Dự thảo Nội quy cũng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi tham dự kỳ họp nhằm tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp. Sửa quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi không thể tham dự kỳ họp hoặc phiên họp tại kỳ họp nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm của đại biểu, khắc phục tình trạng nhiều đại biểu vắng trong thời gian qua.

Theo Ủy ban Pháp luật, quy định này là cần thiết nhằm cụ thể hóa Điều 26 của Luật Tổ chức Quốc hội, đề cao trách nhiệm của đại biểu trong việc tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc, quy định phù hợp hơn đối với trường hợp một số đại biểu bắt buộc phải vắng mặt tại một số phiên họp toàn thể, họp Tổ... để tham gia các cuộc làm việc với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan về tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ thuật các dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp.

“Đề nghị bổ sung quy định về trường hợp không dự được phiên họp Quốc hội do thực hiện nhiệm vụ tiếp thu, chỉnh lý, rà soát dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua thì không coi là vắng họp” - ông Hoàng Thanh Tùng nêu.

Liên quan đến quy định về thảo luận tại phiên họp toàn thể, ông Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành việc bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp; việc Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có quyền linh hoạt điều hành phiên họp theo hướng kéo dài thời gian của phiên họp khi thời gian còn lại không đủ để tất cả đại biểu Quốc hội đã đăng ký được phát biểu, tranh luận, đồng thời kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, thời gian phát biểu giải trình của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong một số trường hợp sau khi xin ý kiến và được sự đồng ý của Quốc hội.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ và chỉnh lý quy định về thời gian tối đa kéo dài phiên họp tại Điều 18, nhất là phiên họp buổi sáng để không ảnh hưởng đến phiên họp buổi chiều.

Theo chương trình, Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua ngay tại kỳ họp này.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đề xuất quy định Quốc hội có thể họp nhiều đợt