Khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền

(BKTO) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).



                
   

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

   

Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo

Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, về cơ bản, Dự thảo Luật kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền hiện hành.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự luật quy định về: các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền, Dự thảo Luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.

Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể như: sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo (sửa đổi tên gọi hoạt động cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư thành hoạt động cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý; sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng...).

“Việc sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động để phù hợp với nội hàm khái niệm của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Dự thảo Luật cũng đã luật hóa quy định tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP, theo đó, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của Luật hiện hành; đồng thời, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và sự phát triển nhanh chóng của khoa học, công nghệ.

Việc sửa Luật cũng nhằm góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt theo các khuyến nghị và báo cáo đánh giá của các tổ chức quốc tế, tránh việc Việt Nam bị đưa vào “Danh sách Xám”; thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật như Tờ trình. So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn và phù hợp với khuyến nghị của FATF, bao gồm cả việc phòng, chống rửa tiền và việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Về đối tượng báo cáo, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành sửa đổi, bổ sung tên gọi một số hoạt động của đối tượng báo cáo để phù hợp với quy định hiện hành có liên quan và phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF.

Một số ý kiến đề nghị báo cáo rõ quy định về tiền điện tử tại điểm e khoản 1 Điều 4 có thuộc phạm vi tài sản ảo hay không, vì theo báo cáo của Chính phủ hiện chưa có khung pháp lý điều chỉnh về tài sản ảo nên chưa quy định ngay trong Dự thảo Luật.

Quy định rõ ràng về dấu hiệu đáng ngờ

Ủy ban Kinh tế cũng thống nhất việc quy định các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần nghiên cứu bao quát cả các lĩnh vực khác thuộc đối tượng báo cáo, nhưng chưa được quy định các dấu hiệu đáng ngờ cụ thể (như lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán, kiểm toán, kinh doanh kim loại quý, đá quý…).

Mặt khác, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ. Ví dụ như: một số dấu hiệu “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng yêu cầu thay đổi người thụ hưởng đã chỉ định bằng người không có mối quan hệ rõ ràng với bên mua bảo hiểm”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”…

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, điều chỉnh bảo đảm hợp lý và khả thi.

Đối với một số dấu hiệu đáng ngờ cụ thể, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản tại Điều 27 Dự thảo Luật và phân định phù hợp với hoạt động của các tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan.
         
Cũng trong phiên họp chiều 20/10, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025.

Đ. KHOA



Cùng chuyên mục
Khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền