Sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ Quốc gia (Luật sửa 7 luật).
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung tham dự Phiên họp.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập
Trình bày Tờ trình Dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, việc xây dựng Luật sửa 7 luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển…
Theo đó, về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán độc lập, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu rõ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước đối với kiểm toán độc lập, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, bao gồm: sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập; sửa đổi, bổ sung xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập.
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 60 Luật Kiểm toán độc lập hiện hành, quy định:
“Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chịu các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định của Luật này, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định của Luật này và Luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.
Mức phạt tiền vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức; 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập là 5 năm”.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm nội dung về nâng cao chất lượng kiểm toán độc lập, tăng cường độ tin cậy các thông tin phục vụ quản lý, điều hành các hoạt động kinh tế; bao gồm quy định những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán; quy định về nghĩa vụ duy trì điều kiện đối với doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam; quy định về luân chuyển kiểm toán viên hành nghề ký báo cáo kiểm toán đối với doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm toán.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung nhóm quy định mở rộng các đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc, đảm bảo đầy đủ thông tin tin cậy phục vụ quản lý nhà nước và ra quyết định.
Làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần
Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhất trí đề xuất của Chính phủ về thẩm quyền đình chỉ hành nghề kiểm toán, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, Dự thảo Luật chưa quy định rõ các trường hợp đình chỉ hành nghề kiểm toán cũng như thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán làm cơ sở cho Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nội dung này.
Về những người không được đăng ký, hành nghề kiểm toán, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát để phân định rõ 2 trường hợp, gồm: Không được đăng ký hành nghề kiểm toán; đã đăng ký hành nghề nhưng không được tiếp tục hành nghề do vi phạm.
Về đơn vị kiểm toán, cơ quan thẩm tra nêu rõ, việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc theo hướng bổ sung các doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn là cần thiết nhằm đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
“Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tác động và xác định các tiêu chí phù hợp, bảo đảm việc xác định doanh nghiệp, tổ chức khác có quy mô lớn gắn với điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc cần tương xứng với nguồn lực kiểm toán độc lập, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, đa số ý kiến nhất trí việc tăng mức xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và tăng thời hiệu xử phạt nhằm tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, bổ sung thông lệ quốc tế, làm rõ hơn cơ sở đề xuất việc tăng mức xử phạt lên gấp 30 lần so với Luật hiện hành.
Đồng thời, trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị lưu ý có mức xử phạt hợp lý với các hành vi, vừa có tính kế thừa các quy định hiện hành, vừa tăng mức độ răn đe với các hành vi thực sự nghiêm trọng nhưng chưa đến mức xử lý hình sự./.