Cần đảm bảo lộ trình, tránh xáo trộn
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế, xu hướng chung trên thế giới, đó là dân số trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh từ năm 2030. Sự sụt giảm lực lượng lao động và dân số đang già đi sẽ là những rào cản to lớn trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, nhiều tổ chức đã đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chọn thời điểm tăng dần tuổi hưu sớm để bảo đảm sự cân đối lực lượng lao động.
Tuy nhiên, cũng cần phải làm rõ, việc tăng tuổi hưu là xu hướng chung của tất cả các nước có cơ cấu dân số già để phù hợp với các điều kiện kinh tế-xã hội, nhân khẩu, sức khỏe… chứ không phải tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH).
Lý giải đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho rằng, quy định độ tuổi nghỉ hưu hiện nay đã qua hơn 60 năm áp dụng. Lúc bắt đầu có quy định thì tuổi thọ bình quân người Việt chỉ hơn 45 tuổi, trong khi đó hiện nay đã lên 73,5 tuổi. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam cũng được xếp vào nhóm những nước nhanh nhất hiện nay. Vì vậy, nếu không điều chỉnh tuổi hưu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Ðó là chưa kể, việc duy trì một chính sách không còn phù hợp sẽ gây ra bất bình đẳng giữa lao động thuộc các khu vực kinh tế (chính thức và phi chính thức); giữa lao động nam và lao động nữ.
Từ những vấn đề đặt ra như trên, Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho rằng, việc tăng tuổi hưu là đòi hỏi bức thiết từ chính cuộc sống thực tiễn và phù hợp với xu thế trên thế giới. Đồng thời, khi đề cập đến chủ trương này, Ban soạn thảo cũng đã tính toán đến lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng dần (tăng chậm) để tránh gây “sốc” cho thị trường lao động và có tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội của người lao động và DN.
Tăng tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích cho cả người lao động lẫn hệ thống |
Góp phần xây dựng trụ cột an sinh vững chắc
Cho ý kiến về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu theo Dự thảo Bộ luật Lao động, một số chuyên gia cho rằng, khi tuổi nghỉ hưu của người lao động được nâng lên đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian làm việc cũng như thời gian đóng BHXH của người lao động. “Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp mang lại lợi ích cho cả nguồn Quỹ BHXH cũng như người lao động. Còn lợi ích cụ thể của các bên ra sao thì cần phải tính toán” – một chuyên gia trong lĩnh vực lao động cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thường phải xem xét một cách tổng thể ở lợi ích quốc gia và có thể xử lý bằng nhiều cách. Một chính sách khi ban hành chắc chắn không thể làm cho tất cả thỏa mãn, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
PGS,TS. Nguyễn Hữu Tri - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính cho hay, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐ-TB&XH dựa trên nhu cầu làm việc cũng như muốn tận dụng sức lao động của xã hội. Theo đó, đây cũng là mong muốn chính đáng, nhất là khi chính sách này đồng thời đảm bảo hướng đến việc giải quyết nhu cầu của người lao động cũng như góp phần đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội thông qua việc tạo thêm nguồn thu cho Quỹ BHXH.Song song với việc tăng tuổi hưu, cũng cần thực hiện đồng bộ các quy định khác liên quan tới đóng-hưởng, xây dựng hệ thống hưu trí đa tầng, liên thông… Bởi, xét đến cùng, điều chỉnh tăng tuổi hưu chỉ là một giải pháp trong tổng thể hệ thống cải cách chính sách BHXH, nên sẽ đòi hỏi sự vận động của cả bộ máy quản lý nhà nước.
Theo đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, dự kiến, thời điểm tăng tuổi hưu sẽ bắt đầu áp dụng từ năm 2021 để đồng bộ với những quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Box: Theo Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án tăng tuổi hưu, trong đó, thời điểm tăng tuổi hưu bắt đầu từ năm 2021. Phương án 1, nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Phương án 2 là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng… |
HOÀNG ĐỨC