Đề xuất thí điểm đấu giá biển số ô tô trên phạm vi toàn quốc

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, sáng 21/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.



                
   

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ vềDự thảo Nghị quyết của Quốc hội vềthíđiểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Ảnh: VPQH

   

Người trúng đấu giá được giữ lại biển số khi chuyển nhượng

Trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết gồm 7 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; biển số đưa ra đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, hình thức đấu giá, phương thức đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, người được cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; giá khởi điểm, tiền đặt trước; đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá.

Bộ Công an đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết với một số quy định riêng, khác với quy định của luật hiện hành áp dụng cho việc thí điểm đấu giá biển số ô tô trong thời gian 3 năm như sau:

Về biển số đưa ra đấu giá, Dự thảo Nghị quyết quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an, Trang Thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Trang Thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.

Về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá, Dự thảo Nghị quyết quy định, quyền của người trúng đấu giá gồm: được cấp văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá; được đăng ký biển số trúng đấu giá gắn với xe ô tô thuộc sở hữu của mình tại cơ quan Công an nơi quản lý biển số trúng đấu giá hoặc nơi người trúng đấu giá đăng ký thường trú, đặt trụ sở; được giữ lại biển số trúng đấu giá khi chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình…

Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận biển số trúng đấu giá, nếu người trúng đấu giá chết nhưng biển số trúng đấu giá chưa đăng ký gắn với xe thì được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định (không được tính lãi suất). Người thừa kế của người trúng đấu giá tiếp nhận số tiền này.

Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Dự thảo Nghị quyết xây dựng theo hướng quy định cụ thể về giá khởi điểm của từng biển số đưa ra đấu giá, theo đó xác định con số cụ thể, áp dụng thống nhất, minh bạch trong tất cả các trường hợp đấu giá, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất và phù hợp với thực tiễn.

Cụ thể, vùng 1 (gồm Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh): 40.000.000 đồng; vùng 2 (gồm các địa phương còn lại): 20.000.000 đồng.

Về sử dụng nguồn thu từ đấu giá, tại Thông báo 1484/TB-TTKQH ngày 26/9/2022, thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị của Chính phủ đã kết luận “các khoản thu từ đấu giá thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước trung ương hưởng 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước”.

Bộ Công an đã tiếp thu và chỉnh sửa nội dung chính sách như sau: “Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước”.

Thí điểm trên phạm vi toàn quốc

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban QPAN nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Về phạm vi thí điểm, Ủy ban QPAN nhất trí với Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá để đáp ứng nhu cầu của người dân tất cả các địa phương.

Đồng thời cũng để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký xe ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá và là cơ sở để tổng kết, đánh giá, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan khi kết thúc thí điểm để thực hiện ổn định, lâu dài.

“Nếu người thường trú tại địa phương nào chỉ được tham gia đấu giá tại địa phương đó thì sẽ hạn chế số lượng người tham gia đấu giá, không đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và không khai thác triệt để nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ công tác quản lý, đăng ký xe ô tô đối với những trường hợp thường trú ở địa phương này trúng đấu giá biển số xe ô tô ở địa phương khác” - ông Lê Tấn Tới nêu rõ.

Về tên gọi của Dự thảo Nghị quyết, Ủy ban QPAN đề nghị chỉnh sửa tên Nghị quyết là: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô” để bảo đảm ngắn gọn, rõ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và thống nhất với quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Về biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Ủy ban QPAN nhất trí với việc giới hạn thí điểm chỉ đấu giá đối với biển số ô tô nền trắng chữ đen trong kho biển số chưa được đăng ký, mà không thí điểm đấu giá đối với biển số xe ô tô nền vàng chữ đen, biển số xe mô tô, xe gắn máy.

Bởi theo cơ quan thẩm tra, đối với loại hình xe hoạt động kinh doanh vận tải thì nhu cầu của người dân muốn được cấp “biển số đẹp”, biển số theo sở thích là rất ít. Đối với mô tô, xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay, nếu mở rộng để thí điểm thì số lượng mô tô, xe gắn máy trong toàn quốc là rất lớn, dẫn đến thiếu tập trung, ảnh hưởng đến việc thực hiện thí điểm.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Đề xuất thí điểm đấu giá biển số ô tô trên phạm vi toàn quốc