“Lỗ hổng” khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu
Bộ Tài chính vừa chính thức lấy ý kiến về việc dự thảo Tờ trình quyết định bãi bỏ Quyết định số 78 áp dụng từ năm 2010. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ bán qua chuyển phát nhanh, nhằm tránh thất thu thuế, phù hợp thực tế.
Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn khi ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, hệ thống khai báo hải quan chỉ thuần túy thực hiện theo thủ công nên chính sách miễn thuế tại Quyết định này đã góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính và giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm bớt số lượng hàng hóa phải khai nộp thuế. Tuy nhiên đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử thế giới cũng như tại Việt Nam đã và đang tăng trưởng rất nhanh qua các năm. Hàng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.
Về thủ tục hải quan, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đơn giản hoá thủ tục đưa hàng hoá khỏi kho, bãi, cảng, giảm sự tiếp xúc giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại của người dân, khắc phục tình trạng ùn tắc tại cổng cảng, kho, bãi. Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng phương pháp quản lý hải quan hiện đại nên đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS).
Sự phát triển và hoàn thiện của hệ thống khai hải quan điện tử nêu trên đã giúp thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho việc quản lý tờ khai hàng hóa, không làm gián đoạn hoạt động thương mại. Mặt khác, người khai hải quan không cần đến các nơi làm thủ tục hải quan, kê khai qua mạng. Việc này sẽ giảm lượng người kê khai do việc làm thủ tục được tiến hành thông qua các đại lý, hãng vận chuyển nên việc quản lý, thu thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được tiến hành tập trung và nhanh chóng hơn nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cùng một chủng loại hàng hóa nhưng hàng hóa sản xuất trong nước vẫn phải nộp thuế GTGT. Việc miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ vô hình chung đã tạo sự chênh lệch giá, điều này dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước (do phải nộp thuế GTGT), từ đó ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong nước…
Bộ Tài chính cũng cho biết, trước đây, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có chính sách miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT đối với hàng hóa có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh, tuy nhiên, đến nay, nhiều quốc gia đã và đang xóa bỏ chính sách này.
Các nước trong EU cũng đã xóa bỏ quy định miễn thuế VAT với các lô hàng từ 22 euro trở xuống. Vương quốc Anh cũng bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có tổng giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ ngày 01/01/2021. Tương tự, tại Singapore, từ ngày 01/01/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tại Singapore, từ ngày 1/1/2023 cũng bắt đầu bãi bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa trị giá thấp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Từ ngày 1/5/2024, Thái Lan cũng sẽ thu thuế GTGT đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các hoạt động giao dịch thương mại điện tử đã trở nên phổ biến, mang tính chất kinh doanh với khối lượng rất lớn (mặc dù giá trị mỗi đơn hàng vẫn nhỏ hơn 1 triệu đồng, thậm chí có nhiều trường hợp doanh nghiệp xé lẻ đơn hàng giá trị lớn thành nhiều đơn hàng giá trị nhỏ để được hưởng ưu đãi miễn thuế), đây rõ ràng đang là một “lỗ hổng” trong quản lý, vừa khiến ngân sách Nhà nước bị thất thu, vừa tạo môi trường cạnh tranh không bình đẳng dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước bị gặp khó do không cạnh tranh nổi với hàng hóa ở nước ngoài gửi về.
Áp dụng chính sách mới giúp tăng vài nghìn tỉ đồng ngân sách mỗi năm
Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách thuế và thông lệ quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ, thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đảm bảo thu đủ thuế, đảm bảo công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg mà không chờ vào tiến độ ban hành Nghị định Thương mại điện tử.
Theo đó, từ ngày Quyết định bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg có hiệu lực sẽ không áp dụng chính sách miễn thuế GTGT đối với hàng có giá trị nhỏ qua đường chuyển phát nhanh để đồng bộ với Luật thuế GTGT, riêng chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng có giá trị nhỏ vẫn được thực hiện như hiện hành theo quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này.
Việc bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg sẽ góp phần bổ sung nguồn lực ngân sách nhà nước, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Liên quan đến việc thu thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh, ngày 26/11, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Cũng trong ngày 26/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Tại Công điện, Thủ tướng đánh giá hàng hóa nhập khẩu qua thương mại điện tử đang tạo sức ép lớn lên hàng hóa sản xuất trong nước. Việc này ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp nội địa.
Căn cứ tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh năm 2023 (27,7 nghìn tỷ đồng), giả định sau khi bãi bỏ Quyết định 78, các hàng hóa có trị giá nhỏ dưới 1 triệu đồng qua dịch vụ chuyển phát nhanh đều áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 10%, thì số thu NSNN sẽ tăng khoảng 2.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tăng thu NSNN có thể thay đổi tùy thuộc vào tỷ trọng mức thuế suất thuế GTGT áp dụng là 5% hay 10%.
Tuy nhiên, việc quản lý thu thuế đối với các giao dịch qua chuyển phát nhanh không đơn giản vì khối lượng giao dịch rất lớn, hồ sơ chứng từ của mỗi đơn hàng lại thường không đầy đủ nên rất khó khăn trong việc triển khai hành thu, vì vậy cơ quan thuế cần nghiên cứu đưa ra các quy định cụ thể, vừa đơn giản về thủ tục, vừa tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế nhưng lại vừa đảm bảo công bằng và tránh thất thu. Những yêu cầu này được đảm bảo thì chính sách thuế mới đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tốt.