.jpg)
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật lần này tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về thành lập, tổ chức và hoạt động có liên quan của DN; thúc đẩy phát triển DN, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và minh bạch.
Các quy định sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền tự do kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước đối với DN.
“Dự thảo Luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN gia nhập thị trường” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Theo Bộ trưởng, mặc dù Luật DN đã được hoàn thiện nhiều phiên bản, tiếp cận đầy đủ với thông lệ tiên tiến trên thế giới về quản trị DN. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định có vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
Nội dung dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh. Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi
Để xử lý các vướng mắc, bất cập này và tăng cường hiệu quả của công tác hậu kiểm đối với DN, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 23 nội dung (sửa đổi 16 nội dung, bổ sung 7 nội dung).
Một trong những nội dung mới tại Dự thảo Luật là sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại DN bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập.
“Dự thảo Luật lần này quy định đối tượng được thành lập DN bao gồm viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành DN do cơ sở giáo dục đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Trường hợp viên chức là người lao động thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập; trường hợp viên chức quản lý là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập thì phải được sự đồng ý của cấp trên quản lý trực tiếp (quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 17)” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lý do sửa đổi, bổ sung nội dung trên là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã quy định viên chức quản lý làm việc tại tổ chức KHCN công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành DN, làm việc tại DN do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức, viên chức.
.jpg)
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, để thể chế hoá quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2025/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị quyết số 193/2025/QH15 , đồng thời, tại dự thảo Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo kèm theo Tờ trình số 262/TTr-CP ngày 23/4/2025 của Chính phủ trình Quốc hội, nội dung này cũng được thể chế tại dự thảo Luật cho phép viên chức làm việc tại tổ chức KHCN được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành DN do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra. Do vậy, việc bổ sung quy định tại dự thảo Luật quy định điều chỉnh điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 17 nhằm thống nhất các quy định pháp luật hiện hành.
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, Dự thảo Luật theo Tờ trình số 286/TTr-CP đã tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc rà soát các quy định có liên quan tại các dự án Luật cùng trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9, quy định thống nhất tại dự án Luật này các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật DN theo hướng sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật DN, bổ sung trường hợp viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được quyền góp vốn vào DN do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý quy định tại Điều 17 theo hướng súc tích hơn, loại trừ trường hợp pháp luật về KHCN và đổi mới sáng tạo có quy định khác. Các trường hợp cụ thể trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW về viên chức được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại DN là nội hàm chính sách của dự án Luật KHCN và Đổi mới sáng tạo và Nghị quyết số 193/2025/QH15 và đã được quy định tại các văn bản này. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát Luật Viên chức để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.