
Yêu cầu minh bạch thông tin chủ sở hữu hưởng lợi
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp là cá nhân có quyền chi phối hoặc kiểm soát doanh nghiệp trên thực tế thông qua việc trực tiếp sở hữu vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc gián tiếp thông qua người khác.
Hiện nay, các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp đều đặt ra yêu cầu minh bạch hóa thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Do đó, việc nhận diện chủ sở hữu hưởng lợi và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi còn là những biện pháp quan trọng để phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Kết quả về số lượng và đánh giá áp dụng tính minh bạch về quyền sở hữu hưởng lợi trên phạm vi nghiên cứu của Chỉ số bảo mật tài chính (FSI) cho thấy, trong số 112 quốc gia được nghiên cứu năm 2018, chỉ có 34 quốc gia có quy định đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi và 78 quốc gia không có quy định này. Tuy nhiên, con số này đã đảo ngược vào năm 2022 khi có tới 79 quốc gia đã có quy định và 33 không có quy định về đăng ký quyền sở hữu hưởng lợi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, thực tế nước ta đã phát sinh tình trạng “núp bóng sở hữu” với nhiều vụ việc tổ chức, cá nhân kiểm soát doanh nghiệp thiếu minh bạch, lạm dụng vị thế kiểm soát doanh nghiệp để thực hiện các hành vi tham nhũng, rửa tiền và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, đối tác, khách hàng và các cộng đồng xã hội mà còn làm giảm niềm tin, tăng rủi ro và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của khu vực doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Trong khi đó, từ năm 2007, Việt Nam đã trở thành thành viên Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Với tư cách thành viên của APG, từ năm 2007, Việt Nam đã tham gia vào các vòng đánh giá đa phương của APG theo phương pháp luận đánh giá dựa trên 40 khuyến nghị của FATF.
Theo kết quả tại Báo cáo đánh giá đa phương về công tác phòng, chống rửa tiền (PCRT), Việt Nam đã bị đưa vào quy trình rà soát tăng cường và quy trình rà soát các nước có thiếu hụt nghiêm trọng của FATF trong thời hạn 01 năm (từ tháng 3/2022 - 3/2023) và phải khắc phục những thiếu hụt được xác định trong Báo cáo đánh giá đa phương.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc thời hạn này, nước ta vẫn chưa đáp ứng các yêu cầu về cải thiện khung khổ pháp lý. Do đó, ngày 30/6/2023, FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách xám) và phải thực hiện các hành động khắc phục do FATF chỉ định với các mốc thời hạn cụ thể trong vòng hai năm (đến tháng 05/2025).
Ứng phó với những cảnh báo đáng quan ngại
Một trong các hành động được FATF đề cập là “Xây dựng cơ chế cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền truy cập kịp thời vào các thông tin đầy đủ, chính xác và cập nhật về chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân và áp dụng các biện pháp xử lý một cách phù hợp, hiệu quả, tương xứng và có tính chất răn đe đối với các hành vi vi phạm”. Hậu quả khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực.
Nghiên cứu của IMF cho thấy, quốc gia bị đưa vào Danh sách xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước).
Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu USD tùy thuộc quy mô nền kinh tế.
Thời gian gần đây, FATF và APG cũng đã đưa ra cảnh báo nếu nước ta không có các biện pháp để cải thiện trong việc thực hiện cam kết thì FATF sẽ tiếp tục đưa Việt Nam vào “Danh sách đen”.
Khi đó, nước ta có thể sẽ chịu nhiều tác động nặng nề, đặc biệt là các doanh nghiệp, chẳng hạn như các tổ chức tài chính của Việt Nam sẽ bị cấm thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại nước ngoài; các chi nhánh, công ty con của tổ chức tài chính Việt Nam tại nước ngoài sẽ chịu sự tăng cường kiểm tra, giám sát; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước ta có thể sẽ giảm sút...
Các tổ chức và định chế quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Diễn đàn đăng ký kinh doanh thế giới… đều công nhận khuyến nghị của FATF là chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền và đưa vào các văn kiện và tuyên bố, thỏa thuận quốc tế. Do đó, trong tiến trình hội nhập quốc tế, Việt Nam có nghĩa vụ phải tuân thủ các khuyến nghị này.
Tại Báo cáo đánh giá về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố thí điểm trong tháng 10/2024, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam có thứ hạng 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là do nước ta chưa có quy định về việc thu thập thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, do vậy, các tiêu chí liên quan đến nội dung này không được đánh giá.
Bối cảnh trên đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp về nội dung chủ sở hữu hưởng lợi để thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời, cũng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện khung khổ pháp luật và cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, tin cậy, minh bạch - lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị của FATF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về chủ sở hữu hưởng lợi tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này như sau: Bổ sung thêm khái niệm về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp; bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc nộp và kê khai hồ sơ, nội dung thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi; bổ sung một khoản về việc lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, địa điểm và thời gian lưu trữ thông tin.
Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong việc thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình là chủ sở hữu hưởng lợi; cung cấp chính xác, đầy đủ các thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và hợp tác với cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp…
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm vụ “Đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp để quy định trách nhiệm, cách thức thực hiện, thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp”.